Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 14/3, Tổng Giám đốc IAEA, Yukiya Amano cho biết rất ít khả năng khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1 của Nhật Bản sẽ trở thành một thảm họa như Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Các lò phản ứng hạt nhân của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Ảnh chụp tháng 10/2008. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Theo Tổng Giám đốc IAEA, hai nhà máy Chernobyl và Fukushima có thiết kế và kết cấu khác nhau, các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima có vỏ bọc bên ngoài. Hơn nữa, các lò phản ứng tại Fukushima đã tự động ngừng hoạt động khi xảy động đất, do đó "không xảy ra phản ứng dây chuyền."
Ông Amano nhấn mạnh sự cố tại Fukushima không phải do lỗi thiết kế hay sơ suất của con người mà do "hậu quả thiên tai ngoài sức tưởng tượng."
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Trung tâm Chernobyl về các vấn đề an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ và sinh thái phóng xạ của Ukraine, ông Mikhail Bondarkov cũng đã loại trừ khả năng tái diễn thảm họa Chernobyl ở Nhật Bản.
Hàng loạt vụ nổ lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 trong những ngày qua do ảnh hưởng của thảm họa động đất - sóng thần khiến nhiều nước quan ngại về những nguy cơ hạt nhân có thể xảy đến.
Tiếp theo các nước như Mỹ, Đức, Thụy Sĩ..., Chính phủ Phần Lan ngày 14/3 cũng kêu gọi kiểm tra sức chịu đựng và khả năng cung cấp điện của các nhà máy điện hạt nhân ở nước này nếu xảy ra thiên tai. Hiện tại, Phần Lan có 4 lò phản ứng hạt nhân đang được vận hành
Trong khi đó, Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cùng ngày tuyên bố nước này đang sở hữu một trong những hệ thống hạt nhân an toàn nhất thế giới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học, Kim Chang-kyung khẳng định Hàn Quốc không bị ảnh hưởng của trận động đất cũng như hiện tượng rò rỉ chất phóng xạ ở Nhật Bản. Ông cho biết các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc được thiết kế chịu được những trận động đất mạnh đến 6,5 độ Richter.
Kết quả kiểm tra mức phóng xạ ở đảo Ulleung - vùng lãnh thổ gần Nhật Bản nhất và 70 vị trí khác nhau trên toàn quốc với tần suất 5 phút/lần (thông thường là 15 phút/lần) không cho thấy hiện tượng bất thường.
Trung Quốc - nơi có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng và 50 lò phản ứng khác đang nằm trong kế hoạch triển khai - khẳng định nước này vẫn theo đuổi phát triển năng lượng hạt nhân.
Châu Á dẫn đầu thế giới về phát triển hạt nhân trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, châu Á chiếm 40 trong tổng số 62 lò phản ứng đang được được xây dựng trên toàn thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.