Kinh tế

Huyện Thường Tín cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP

Thanh Hiền 03/10/2023 20:30

Chiều 3-10, Đoàn kiểm tra số 2 Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố làm Trưởng đoàn làm việc với huyện Thường Tín về vấn đề triển khai cuộc vận động trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho biết, trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện đã cùng các ngành thành viên tích cực quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Cuộc vận động cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển của các doanh nghiệp có thêm nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh, giá thành phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

3-10-anhonghoc.jpg
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học phát biểu kết luận buổi làm việc.

Để đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, huyện đã chủ động chuẩn bị hàng hóa, hỗ trợ lưu thông và cung ứng dịch vụ với nhiều hoạt động thương mại, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Hiện, huyện Thường Tín có 2 điểm bán sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân và chợ Vồi, xã Hà Hồi. Dự kiến, năm 2023, huyện sẽ phát triển thêm 1 điểm tại xã Duyên Thái.

Toàn huyện có 9 làng nghề được thành phố và huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 4 làng xây dựng được thương hiệu chưa được cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Năm 2023, UBND huyện tiếp tục đề nghị Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 3 làng nghề.

3-10-anhhuong.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Diệu Hương, Trưởng ban Tuyên giáo và Đối ngoại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, huyện Thường Tín còn tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất triển khai ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị máy móc, dây chuyền tiên tiến vào sản xuất trong các ngành nghề: Mộc, đồ mỹ nghệ, thêu máy, chế biến trà dược liệu, sản xuất phân hữu cơ.

Đồng thời, huyện đã xây dựng nhiều mô hình, điển hình trong thực hiện cuộc vận động như mô hình của Hội Phụ nữ huyện “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh”, “Câu lạc bộ nữ doanh nhân”…, mô hình “Thanh niên khởi nghiệp” của Đoàn Thanh niên, hay mô hình “Mô hình trồng cây ăn quả”, “Mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật máy sấy thóc phục vụ nông nghiệp” của Hội Nông dân…

3-10-anhthuongtin.jpg
Đoàn kiểm tra tại Siêu thị Lan Chi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng huyện đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, đã kiểm tra, xử lý 264 vụ việc, thu nộp ngân sách 1,4 tỷ đồng và tiêu hủy hàng hóa trị giá 1,2 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ với huyện Thường Tín thêm một số cách triển khai để cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa, tạo được uy tín và sức hút đối với người tiêu dùng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học đánh giá cao huyện Thường Tín trong việc tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP. Với số lượng lớn các sản phẩm OCOP so với các quận, huyện của thành phố, đồng chí Phạm Thanh Học nhấn mạnh đây là lợi thế của huyện cần chú trọng khai thác.

Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, hoạt động tiêu thụ, mua sắm sẽ tăng cao, đồng chí Phạm Thanh Học đề nghị, Ban Chỉ đạo huyện Thường Tín cần có kế hoạch cụ thể để tham mưu cho huyện, đề xuất với Ban Chỉ đạo thành phố những hoạt động lớn gắn với triển khai cuộc vận động. Ngoài ra, huyện cần triển khai các quầy bán sản phẩm OCOP địa phương tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn và chú trọng cách bố trí, sắp xếp, trang trí các gian hàng, khu mua sắm để tăng sức hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng.

Trước khi làm việc, Đoàn kiểm tra đã đi thực tế tại siêu thị Lan Chi tại đường Trần Nhật Duật, xã Hà Hồi. Mỗi năm, Siêu thị Lan Chi bán ra hơn 4 triệu sản phẩm, trong đó, 75% là sản phẩm nội địa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thường Tín cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.