Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyền thoại tăng T-34

Vũ Anh Tuấn| 28/06/2010 07:27

(HNM) - Năm nay, nước Nga sẽ kỷ niệm 70 năm sự ra đời loại xe tăng chủ lực của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ II chống phát xít Đức. Kể từ khi ra đời (9-1940) đến nay, huyền thoại tăng T-34 vẫn là điều khiến quân đội nhiều nước phải nể phục.

Xe tăng T-34 trên chiến trường.


Do những kiểu xe tăng T-26 và BT của Hồng quân bộc lộ nhiều nhược điểm, năm 1937, Liên Xô thành lập một nhóm thiết kế do kỹ sư Mikhail Koskin lãnh đạo, nhằm chế tạo một mẫu xe tăng mới thay thế cho loại tăng BT. Chính Koskin đã thuyết phục I.Xtalin cho phép ông phát triển một mẫu xe tăng với vỏ giáp và hỏa lực được tăng cường nhằm thay thế cả hai loại xe tăng T-26 và BT. Kiểu xe tăng này được Koskin đặt tên T-34 để ghi nhớ năm mà ông nảy ra ý tưởng về mẫu thiết kế mới cho xe tăng Liên Xô đó là năm 1934.

Với lớp giáp trước dày 45mm và xích xe tăng rộng hơn, thiết kế của T-34 đã kết hợp được một số phát triển công nghệ tiên tiến trên thế giới thời bấy giờ. Chiếc xe tăng T-34 đầu tiên được trang bị pháo 76mm đã ra đời vào tháng 9-1940. Tốc độ tối đa trung bình của T-34 là khoảng 50km/giờ, trong khi tốc độ tối đa của các xe tăng Đức khi đó khoảng 40km/giờ. Nhờ tính cơ động và hỏa lực mạnh, độ tin cậy và khả năng bảo trì dễ dàng, T-34 là sự thay thế tốt nhất cho các xe tăng T-26, BT và cả xe tăng hạng trung nhiều tháp pháo T-28. Với những ưu thế được khẳng định của mẫu xe mới, nhiều nhà máy đã được chuyển hoàn toàn sang sản xuất T-34. Tính đến ngày 22-6-1941, khi xảy ra cuộc tấn công của phát xít Đức vào Liên Xô, đã có 1.066 xe tăng T-34 được gửi cho quân đội.

Trước sức tấn công như vũ bão của phát xít Đức, các nhà máy xe tăng Liên Xô phải sơ tán về khu vực Ural. Tại đây, xe tăng T-34 liên tục được cải tiến trong suốt cuộc chiến tranh. Mẫu xe tăng đã có những thay đổi như tăng cơ số đạn, vỏ thép dày hơn, hệ thống bánh xích được cải tiến… Một ưu thế quan trọng của xe tăng T-34 là thiết kế đơn giản, dễ chế tạo và sửa chữa. Trong Chiến tranh thế giới thứ II đã ghi nhận nhiều trường hợp T-34 bị địch bắn bay mất tháp pháo, nhưng dễ dàng được sửa chữa trong điều kiện dã chiến, lắp tháp pháo mới và lại tham gia chiến đấu ngay sau đó. Ngoài ra, giá thành chế tạo cũng liên tục giảm khiến ngày càng nhiều xe tăng T-34 được tung ra mặt trận.

Đầu năm 1944, xe tăng T-34 được cải tiến, trang bị pháo 85mm để đấu với loại Tiger của phát xít Đức. Kiểu xe tăng này được gọi là T-34/85 với vỏ thép tốt hơn; tháp pháo phẳng hơn, trở thành mục tiêu có kích thước nhỏ hơn, nhưng tiện lợi hơn cho tổ lái và người chỉ huy. Sự xuất hiện của xe tăng T-34 đã làm nảy sinh hiện tượng được Thiếu tướng Đức Muller Gillebrand gọi là "bệnh sợ tăng" trong quân đội Đức ở mặt trận phía Đông.

Đến cuối năm 1945, hơn 57.000 chiếc xe tăng T-34 đã được sản xuất. Mặc dù về giai đoạn sau chiến tranh đã xuất hiện một số kiểu xe tăng mang giáp trụ và hỏa lực mạnh hơn, nhưng T-34 vẫn được đánh giá là loại xe tăng hiệu quả nhất, được sản xuất nhiều nhất và gây ảnh hưởng lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II. T-34 có công rất lớn và được coi đóng vai trò một tượng đài lịch sử trong chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước chủ nghĩa phát xít.

Sau chiến tranh, kiểu xe tăng này tiếp tục được sản xuất đến năm 1958. Ước tính có tổng cộng 84.070 xe tăng T-34 được chế tạo. T-34 đã có mặt trong trang bị của quân đội 40 quốc gia trên thế giới. Một trong số đó được sử dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hay chiến tranh Triều Tiên, Hungary, Trung Đông, Việt Nam, Bosnia… Đến nay, một số xe tăng T-34 vẫn còn được sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyền thoại tăng T-34

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.