Trong những năm qua, huyện Thanh Trì đã đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà sơ chế, tạo điều kiện cho vùng rau an toàn phát triển ổn định.
Tuy nhiên, vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ không ổn định nên gây khó khăn cho người dân trong mở rộng diện tích trồng rau an toàn.
Theo Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, toàn huyện có 140,5ha được thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tập trung ở 2 xã: Duyên Hà, Yên Mỹ. Trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 109ha.
Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Duyên Hà) Đặng Bá Thắng cho biết, xã Duyên Hà có diện tích trồng rau lớn, đạt 54,7ha; trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 20ha; sản lượng rau của hợp tác xã đạt 3.000 tấn/năm, chủ yếu là các loại rau theo mùa, như cà chua, súp lơ, bí, bắp cải, mướp, su hào, dưa chuột, rau muống... Hiện tại, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đã được công nhận đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Cùng với sản xuất rau an toàn, trên địa bàn huyện hình thành mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ) Nguyễn Mạnh Hồng thông tin, năm 2016, được sự hỗ trợ của UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Yên Mỹ, hợp tác xã đã mạnh dạn trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel, với diện tích 2.600m2. Qua áp dụng công nghệ sản xuất mới, những loại rau, quả trái vụ được nuôi trồng trong mô hình nhà lưới đều đem lại năng suất cao, như: Rau cải các loại, rau muống, cà chua, dưa lưới... Sản phẩm rau của hợp tác xã cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng...
Để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho hay, huyện đã xây dựng và hoạt động ổn định 3 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm an toàn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc tại thị trấn Văn Điển, xã Tứ Hiệp và xã Tân Triều. Đến nay, 80% bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện sử dụng rau an toàn của xã Duyên Hà và xã Yên Mỹ, nâng sản lượng rau tiêu thụ qua các công ty, doanh nghiệp lên 60%.
Để phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn và nâng cao đời sống cho người dân ở vùng đất bãi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, huyện tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng sản xuất 140,5ha rau, trong đó nâng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ cho hợp tác xã, người dân về kinh phí thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao, như: Trồng rau thủy canh, rau hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất rau an toàn của người dân để bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật.
Các xã sử dụng tối đa hạ tầng có sẵn phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống cấp nước và nhà sơ chế, trong quá trình sử dụng nếu có bất cập, cần sửa chữa thay thế, báo cáo huyện để có phương án giải quyết.
Mặt khác, huyện từng bước nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã để trở thành cầu nối xây dựng mô hình tiêu thụ sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi giữa người sản xuất với doanh nghiệp thu mua rau tập trung tại đầu bờ.
Các xã khuyến khích nông dân trồng đa dạng các chủng loại rau, sử dụng giống rau thế hệ mới, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, rau cao cấp…, tạo thuận lợi trong quá trình tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn Thanh Trì trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.