Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Thanh Trì: Gỡ khó trong dồn điền đổi thửa

Ngọc Quỳnh| 02/11/2012 06:54

(HNM) - Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thanh Trì tập trung vào công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn nhằm nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác.

Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, hiện nay huyện đang tập trung chỉ đạo công tác DĐĐT ở 6 xã: Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Yên Mỹ, Tả Thanh Oai, Duyên Hà, Vạn Phúc; trong đó, năm 2012 xã Đại Áng và xã Yên Mỹ thực hiện mô hình thí điểm để nhân rộng ra toàn huyện. Mục tiêu của huyện trong năm 2012 sẽ dồn được 500ha/1.200ha.

Nông dân xã Yên Mỹ (Thanh Trì) chăm sóc rau.


Thực hiện chủ trương DĐĐT, dự thảo phương án dồn đổi ruộng của xã Yên Mỹ đã được các phòng chức năng huyện cho ý kiến thống nhất về quy hoạch đường mương nội đồng và vùng sản xuất ổn định, nhưng trong quá trình triển khai  vẫn gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh cho biết, do ruộng đất manh mún, bình quân 6 thửa/hộ nên canh tác khó khăn. Ngoài vướng mắc do tâm lý người dân ngại "rũ rối"  ruộng chia lại, khó khăn lớn nhất trong công tác DĐĐT ở xã Yên Mỹ là cần nguồn vốn khá lớn. Theo đề án, nếu thực hiện dồn đổi gần 150ha đất nông nghiệp của xã cần tới trên 39 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cơ sở, trong đó vốn xã hội hóa là 5 tỷ đồng, nguồn vốn xã là 1 tỷ đồng, trong khi Yên Mỹ là một xã nghèo nằm trong hành lang thoát lũ, không có doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn nên không có nguồn thu.

Hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 1-2ha đất xen kẹt nhưng không đấu giá được nên nguồn thu khó khăn. Yêu cầu kinh phí từ nguồn xã hội hóa cũng khó thực hiện, bởi với dân số 5.600 khẩu thì bình quân mỗi hộ phải đóng góp 6 triệu đồng, quá sức của người dân. Mặt khác, tập quán canh tác cũng làm khó cho công tác dồn đổi ruộng, bởi đây là vùng đất chuyên rau màu các loại, người dân trồng rau tất cả các mùa trong năm nên không muốn cho đất nghỉ để thực hiện DĐĐT. Tuy nhiên, trải qua 20 cuộc họp tuyên truyền vận động, đến nay, cơ bản người dân đã đồng tình, ủng hộ xã hoàn thành kế hoạch dồn đổi ruộng trong năm nay.

Không riêng gì xã Yên Mỹ, việc dồn đổi ruộng của hầu hết các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp bởi số diện tích được giao cho các hộ theo Nghị định 64/CP rất manh mún; nhiều xã phải thu hồi đất cho các dự án nên việc khảo sát, thống kê diện tích mất nhiều thời gian. Công tác lưu trữ hồ sơ giao đất nông nghiệp ở một số xã chưa tốt. Một số cán bộ địa chính mới nhận nhiệm vụ nên chưa nắm bắt được tình hình sử dụng đất của từng xứ đồng, dẫn tới lúng túng trong việc thống kê diện tích đất nông nghiệp. Một số xã phân loại đất theo vùng sản xuất tập trung nhưng tiến độ chậm bởi phụ thuộc vào mùa vụ sản xuất. Đặc biệt, đến nay các xã vùng bãi vẫn chưa có quy hoạch hoặc đang thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch NTM nên chưa thể hoàn thiện phương án DĐĐT. Ngoài ra Ban chỉ đạo ở một số nơi chưa vào cuộc quyết liệt, chưa thực sự chú trọng tới công tác DĐĐT.

Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, để từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác DĐĐT, làm nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng mô hình NTM, huyện đề nghị thành phố xem xét, có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ dân phải di chuyển mồ mả, cây lâu năm và hỗ trợ giếng khoan cho các hộ sản xuất khi thực hiện DĐĐT. Hiện nay, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch chung phát triển nông nghiệp đến năm 2020 của huyện Thanh Trì chưa cụ thể nên huyện rất khó quy hoạch các vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, vì vậy các sở, ngành cần thống nhất khu vực sản xuất nông nghiệp ổn định của huyện Thanh Trì đến năm 2020 để huyện tập trung triển khai công tác DĐĐT theo hướng dẫn của thành phố. Ngoài chính sách hỗ trợ của TP, huyện sẽ hỗ trợ tiền giống cho các hộ dân sau khi DĐĐT để tiếp tục sản xuất. Mục tiêu của huyện đến năm 2013 sẽ hoàn thành DĐĐT 1.200ha theo kế hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thanh Trì: Gỡ khó trong dồn điền đổi thửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.