An toàn thực phẩm

Huyện Thanh Oai với công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm: Siết chặt kiểm tra và giám sát

Đào Huyền 29/07/2023 - 07:14

Với hàng nghìn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nên công tác kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm được huyện Thanh Oai đặc biệt coi trọng và siết chặt trong những năm qua. Đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền đến tập huấn, kiểm tra… công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định.

doan-kiem-tra-lien-nganh-hu.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thanh Oai kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh nước đóng chai trên địa bàn.

Kết hợp nhiều giải pháp

Hiện tại, huyện Thanh Oai có 2.226 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có 1.233 cơ sở sản xuất; 417 cơ sở kinh doanh; 487 cơ sở dịch vụ ăn uống và theo phân cấp, thành phố quản lý 17 cơ sở; huyện 145; xã, thị trấn 2.064 cơ sở…

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Bắc, để tăng cường kiểm soát vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã tổ chức 10 đoàn kiểm tra và các xã tổ chức 21 đoàn và phối hợp triển khai nhiều đoàn liên ngành. Điển hình như Phòng Y tế huyện Thanh Oai đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 và Công an huyện kiểm tra tại 45 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Qua đó, xử lý kịp thời 11 trường hợp vi phạm, với số tiền phạt 40 triệu đồng; tiêu hủy 60 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, huyện thành lập 1 đoàn kiểm tra công tác y tế học đường và an toàn thực phẩm tại 54 cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn huyện và đã yêu cầu dừng hoạt động 3 bếp ăn tập thể không bảo đảm quy định. Đến nay, các bếp ăn tập thể đều khắc phục tồn tại, bổ sung hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định.

Đồng thời, huyện ký cam kết bổ sung với 12 cửa hàng kinh doanh rau quả tại chợ và ký được 45 hộ sản xuất rau; tổ chức kiểm tra 52 hộ sản xuất rau sau ký cam kết.

Cùng với tăng cường kiểm tra, tại các xã, thị trấn của huyện cũng đa dạng các hoạt động nhằm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm từ chế biến, sản xuất đến lưu thông. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các xã đã kiểm tra, giám sát 916 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; trong đó, số cơ sở đạt là 782 cơ sở, chiếm 85,2%.

Chủ tịch UBND xã Cao Dương Trần Thế Anh cho biết, cùng với công tác kiểm tra, xã còn phối hợp các đơn vị tổ chức tuyên truyền cho các hộ kinh doanh thực phẩm nông sản tại các chợ, giao Ban Quản lý chợ thành lập các tổ kiểm tra để giám sát việc thực hiện.

Thay đổi nhận thức từ người sản xuất đến tiêu thụ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình, thời gian qua, công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm của huyện được tăng cường và đẩy mạnh. Đáng chú ý, mạng lưới truyền thông ngày càng được cải thiện là tiền đề để người dân tiếp cận được các kiến thức về an toàn thực phẩm. Đa số người tiêu dùng đã biết lựa chọn thực phẩm an toàn, phương pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã thấy được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi khi thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, UBND huyện Thanh Oai cũng nhìn nhận, công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng còn những khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, việc bố trí, phân công cán bộ cấp xã trực tiếp làm công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn. Hầu hết các xã, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách riêng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mà chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm của trạm y tế, cán bộ thú y, cán bộ bảo vệ thực vật cùng đảm nhiệm chương trình an toàn thực phẩm.

“Dù ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được nâng cao đáng kể, nhưng một bộ phận cơ sở vẫn còn vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đa số các cơ sở có quy mô nhỏ, việc sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình, hình thức sản xuất thủ công, chưa đủ điều kiện kinh tế để sửa chữa, xây dựng hoàn chỉnh nhà xưởng, dây chuyền sản xuất theo quy định...”, ông Nguyễn Khánh Bình cho hay.

Để nâng cao chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, huyện Thanh Oai xác định thay đổi nhận thức người dân, người sản xuất, kinh doanh là vấn đề mang tính mấu chốt. Theo đó, hằng năm, huyện đều xây dựng các kế hoạch triển khai công tác an toàn thực phẩm, kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ, Tết và các lễ hội; kế hoạch kiểm tra các bếp ăn tập thể, kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm... Đặc biệt, huyện đã triển khai hiệu quả mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 21/21 xã, thị trấn và duy trì hoạt động tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình thông tin, trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND thành phố, Huyện ủy, UBND huyện về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, huyện tiếp tục duy trì công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến kinh doanh thực phẩm, nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định...

Cũng theo ông Nguyễn Khánh Bình, huyện tiếp tục chú trọng triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền; tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm các hộ kinh doanh, buôn bán tại các chợ, điểm giết mổ, điểm tập kết gia súc, gia cầm, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm của lực lượng quản lý, hộ sản xuất, kinh doanh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thanh Oai với công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm: Siết chặt kiểm tra và giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.