(HNMO) - Sáng 7-2, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 đã kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại huyện Thạch Thất.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 02.
Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thất, đoàn đã thăm, kiểm tra mô hình mạ khay, máy cấy và mô hình trồng khoai tây vụ xuân trên địa bàn xã Hương Ngải. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã thăm hỏi, chúc mừng năm mới một số nông dân và thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hương Ngải.
Huyện Thạch Thất đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tập trung thực hiện các tiêu chí để hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2020.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, tính đến hết tháng 1-2020, huyện có 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới đạt (bao gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới); 2/9 tiêu chí cơ bản đạt (văn hóa, y tế, giáo dục và môi trường).
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, bên cạnh tập trung chỉ đạo gieo cấy lúa xuân bảo đảm diện tích, cơ cấu giống lúa và thời vụ; huyện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trung ương và thành phố về phòng chống dịch bệnh. Thạch Thất cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng; củng cố tiêu chí môi trường nhằm đạt huyện nông thôn mới.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá, huyện Thạch Thất đã có nhiều cố gắng trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã triển khai các nhiệm vụ từ những ngày đầu, tuần đầu của năm 2020. Thạch Thất cần tập trung hoàn thiện các tiêu chí để quý II-2020, thành phố trình trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện cần có kế hoạch thực hiện các tiêu chí chi tiết. Trước mắt, huyện tập trung cho sản xuất vụ xuân; phòng chống dịch bệnh. Thành phố sẽ yêu cầu các công ty thủy lợi tích cực trong công tác chống hạn, cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của huyện Thạch Thất trong thực hiện nhiệm vụ trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và công tác xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy, những năm qua, huyện Thạch Thất đạt kết quả toàn diện. Huyện đã quy hoạch được các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; xây dựng các mô hình liên kết, gắn sản xuất với chế biến; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Trồng nấm linh chi ở xã Đại Đồng; rau hữu cơ ở xã Yên Trung; đu đủ ở xã Phú Kim...
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã huy động được hơn 2.400 tỷ đồng cho nông thôn mới. Đặc biệt, nhờ khai thác lợi thế làng nghề, thu nhập bình quân của nông dân Thạch Thất rất cao, năm 2019 đạt 63 triệu đồng/người/năm (cao nhất trong số các huyện của Hà Nội); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 0,58%.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu huyện Thạch Thất tiếp tục quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, xây dựng các tuyến đường nở hoa, nâng cao đời sống nhân dân.
“Để làm được điều này, cần phát huy vai trò của các hội, đoàn thể. Bà con làm nghề bận rộn, nếu không có thời gian tham gia lao động trực tiếp thì các hội, đoàn thể huy động nhân dân ủng hộ kinh phí thuê người làm. Việc làm có ích, tôi tin bà con sẽ ủng hộ”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng gợi ý.
Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thất cần chỉ đạo nhân dân xuống đồng cấy xong trước ngày 28-2. Đặc biệt, huyện cần quan tâm hơn đến công tác phòng chống dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu, đồng thuận, chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, Thạch Thất cần rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm. Huyện cần quan tâm đưa quy hoạch đi trước một bước, đồng bộ với các tiêu chí trở thành quận trong tương lai. Huyện cần chọn được điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới, ví dụ như chọn lợi thế làng nghề trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho nhân dân…
Bên cạnh đó, Thạch Thất cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quan tâm đến giải quyết ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; phát triển hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm mục tiêu hết năm 2020, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.