(HNM) - Từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Thường Tín liên tục có văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND xã Văn Tự giải quyết dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, song trên thực tế việc xử lý rất hạn chế. Vậy nguyên nhân vì sao?
Những năm qua, kinh tế của người dân xã Văn Tự phát triển khá mạnh và ổn định vì có sự đóng góp tài chính, thu hút lao động của hơn 300 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Để có địa điểm kinh doanh, chủ cơ sở cần mặt bằng rộng nên phần lớn các hộ đều tận dụng lòng, lề đường hay những thửa đất nông nghiệp ở vị trí đắc địa của gia đình… Từ nhu cầu ấy, những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương ngày càng gia tăng và phức tạp vì nhiều người dân sẵn sàng chấp nhận vi phạm để có mặt bằng kinh doanh.
Hàng chục nhà xưởng trên đất nông nghiệp tại phố Nguộn vẫn chưa được sử lý. |
Theo báo cáo của địa phương, từ năm 2001 đến năm 2010, trên toàn địa bàn xã có hơn 100 trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng. Trong số diện tích đất bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng có cả đất nông nghiệp được giao lâu dài cho người dân và cả đất công ích do HTX nông nghiệp cho thuê từ nhiều năm trước. Những vi phạm điển hình, số lượng lớn tập trung ở phố Nguộn, thôn Nguyên Hanh và thôn Đinh Xá. Trong đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp do HTX nông nghiệp Nguyên Hanh cho các hộ thuê từ năm 1999, trải qua nhiều lần ký lại hợp đồng, nay diện tích này thuộc khu vực quy hoạch làng nghề. Năm 2010, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ thanh lý hợp đồng nhưng người dân không trả lại mặt bằng. Do vậy, tháng 1-2013, UBND xã Văn Tự đã áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với 13 hộ với diện tích khoảng 500m2 nhà xưởng ở khu vực Con Tôm, cầu Đỗ Xá... Hiện nay, tại khu phố Nguộn vẫn tồn tại hàng chục nhà xưởng lớn "mọc" trên khoảng 6.000m2 đất nông nghiệp. Nếu đặt số vụ đã giải quyết nói trên trong tổng số diện tích vi phạm ở xã Văn Tự thì chỉ "như muối bỏ bể"... Về nguyên nhân xảy ra vi phạm, Chủ tịch UBND xã Văn Tự thừa nhận: "Do năng lực của cán bộ giúp việc còn hạn chế và chính bản thân tôi cũng buông lỏng quản lý, cần phải rút kinh nghiệm...".
Trước vấn đề nóng ở xã Văn Tự, phóng viên Báo Hànộimới đề nghị được làm việc, kèm theo nội dung rất cụ thể với UBND huyện Thường Tín. Song rất tiếc, khi làm việc với cán bộ Thanh tra Nhà nước và Phòng Tài nguyên - Môi trường, chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời hết sức chung chung như "đang chỉ đạo xử lý, đang tổng hợp số liệu…". Trong khi đó, đại diện UBND huyện Thường Tín cho biết: UBND huyện đã ban hành kết luận thanh tra về tình hình quản lý và sử dụng đất ở xã Văn Tự từ tháng 4-2012, đã vạch rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan và trách nhiệm của tập thể Đảng ủy, UBND xã… nhưng bản kết luận này không thể cung cấp cho phóng viên! (?).
Ông Nguyễn Đăng Duấn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thường Tín khẳng định: "Từ năm 2010 đến nay, xã Văn Tự có 59 trường hợp vi phạm về đất đai. UBND xã đã lập biên bản, xử lý nhưng nhiều trường hợp tái vi phạm. Còn số vi phạm từ năm 2010 trở về trước thì địa phương đang tổng hợp. Để tích cực xử lý vi phạm, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Thường Tín đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đất đai. Riêng xã Văn Tự, UBND huyện đã ban hành 4 văn bản đôn đốc xử lý vi phạm và thực hiện kết luận sau thanh tra. Những văn bản đó ghi nhận: Tại xã Văn Tự, một số công dân đã ngang nhiên chiếm dụng đất công do UBND xã quản lý, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, nhất là ở thôn Nguyên Hanh và Đinh Xá, tuy nhiên không bị UBND xã ngăn chặn, xử lý triệt để, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Trong văn bản gần đây nhất ngày 12-3-2013, UBND huyện tiếp tục yêu cầu UBND xã Văn Tự kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm về đất đai vì đến nay UBND xã Văn Tự mới tiến hành xử lý được 15 trường hợp… Tại những văn bản nói trên, UBND huyện đều yêu cầu xã phải báo cáo kết quả xử lý với các mốc thời gian được ấn định cụ thể, song không hiểu tại sao đến tận bây giờ mọi vi phạm ở đây vẫn không được xử lý...".
Trực tiếp tìm hiểu vụ việc, chúng tôi ghi nhận thông tin Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thường Tín trao đổi là có cơ sở, đồng thời cũng nhận thấy, UBND huyện Thường Tín ban hành các văn bản đôn đốc, yêu cầu giải quyết những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương là cần thiết. Song, điều đáng nói là hiệu lực các văn bản này còn nằm trên giấy. Để giải quyết dứt điểm "điểm nóng" kể trên, đề nghị UBND huyện Thường Tín, các phòng, ban chức năng tăng cường kiểm tra, đốc thúc UBND xã Văn Tự xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thậm chí, cần thiết phải xử lý cán bộ có liên quan, không thể kéo dài tình trạng để xảy ra vi phạm, nhận khuyết điểm rồi chỉ... rút kinh nghiệm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.