(HNMO) - Ngày 26-8, Đoàn giám sát của Quốc hội, do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu, đã làm việc với UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cùng làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương...
Theo UBND huyện Chương Mỹ, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao kiến thức giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em có xu hướng tăng theo từng năm.
Từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, trên địa bàn huyện có 15 trẻ em bị xâm hại (14 trẻ em nữ, 1 trẻ em nam). Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, có 8 trẻ bị xâm hại, 1 trẻ tử vong do bị xâm hại.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, so với mật độ dân số trên 33,3 vạn người thì 15 vụ trong báo cáo của huyện là không nhiều. Tuy nhiên, báo cáo cần phản ánh đầy đủ và đúng bản chất tình hình đang diễn ra, kể cả về tình hình bạo lực, lợi dụng trẻ em…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại việc báo cáo đã đánh giá tình hình xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, để hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến trẻ em, gia đình, xã hội và đề nghị huyện Chương Mỹ cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tìm ra giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, có tới 14/15 vụ xâm hại trên địa bàn huyện do người thân quen gây ra, cho thấy, cần đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. UBND huyện cần tích cực tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình, cá nhân, trong đó, chú trọng tuyên truyền cho trẻ em biết cách ứng phó với việc xâm hại… Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.