Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động vàng trong dân, khó hay dễ?

Sơn Trà| 14/02/2012 06:54

(HNM) - Thông tin Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị trình Chính phủ nghị định về việc huy động vàng trong nhân dân thông qua hệ thống đại lý là các tổ chức tín dụng, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Ông Nguyễn Đức Hiếu (chuyên gia tài chính - ngân hàng):
Dễ dàng huy động vàng nếu có cơ chế năng động

Có thể nói tâm lý giữ vàng trong nhà như kiểu "bỏ lọ", "giắt gấu áo" chỉ có ở những người tích lũy được lượng vàng ít. Khi đã có lượng vàng đáng kể, họ đều chọn nơi gửi an toàn, đó là ngân hàng, dù lãi suất đối với vàng là không cao. Làm phép tính đơn giản, lãi suất ngân hàng đối với tiền đồng là 14% (trên thực tế có thể hơn), trong khi chỉ số lạm phát là gần 18%. Như vậy tiền đồng không bảo toàn giá trị lúc rút ra so với thời điểm gửi vào. Nhưng gửi vàng, dù lãi suất là 1%, khi rút vàng ra, giá trị của nó không giảm, mà có thể còn tăng, lại cộng thêm lãi. Rõ ràng sức hút của tiết kiệm bằng vàng vẫn lớn hơn tiền đồng. Chính vì vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện huy động vàng thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, cùng với một cơ chế lãi suất, bảo đảm giá trị vàng hợp lý, chính sách tất toán năng động... sẽ nhanh chóng thu hút được một lượng vàng lớn đang nhàn rỗi trong xã hội để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của quốc gia.

Bà Hoàng Thị Mai (doanh nhân kinh doanh vàng, quận Hoàn Kiếm):
Bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu vàng

Dù đã có quy định của Nhà nước về việc phải thực hiện các giao dịch tài sản bằng tiền Việt Nam đồng, nhưng các thỏa thuận cho vay, mua bán nhà, đất... vẫn được các bên quy ước bằng vàng, mà lại chỉ dùng các đơn vị đo lường như "khâu, chỉ, lượng, cây...", chứ không nêu giá vàng. Điều này thể hiện giá trị ổn định của loại tài sản đặc biệt này. Gia đình nào, dù giàu hay nghèo cũng cố tích cóp, dự trữ trong nhà một ít vàng. Kể cả những người làm kinh doanh vàng cũng phải dành ra một lượng vàng nhất định để dự trữ, phòng khi bất trắc. Bởi vậy, lượng vàng không được đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh lợi nhuận là rất lớn. Nếu Nhà nước xây dựng được quy trình, thủ tục đầy đủ, minh bạch để "mượn" vàng dự trữ của nhân dân phục vụ cho mục tiêu kinh tế chung, nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu vàng (mượn vàng phải trả bằng vàng), thì sẽ tận dụng được nguồn vốn rất lớn này.

Luật sư Đỗ Tiến Đạt (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Chưa đánh giá được hiệu quả của chủ trương

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc huy động vàng thông qua các ngân hàng làm đại lý như một dấu hiệu khôi phục thị trường vàng. Nhưng nếu các ngân hàng thương mại chỉ làm đại lý trung gian, không được sử dụng nguồn vàng huy động để kinh doanh, trong khi Ngân hàng Nhà nước không có chức năng kinh doanh sinh lợi nhuận, thì những hiệu quả kinh tế mà trước đây nguồn huy động này mang lại sẽ khó nhìn thấy và nhận định hơn. Điều này khiến dư luận không khỏi lo lắng: Các ngân hàng lấy nguồn nào để trả lãi cho người gửi vàng? Hệ thống ngân hàng thương mại có được hưởng lợi từ nghiệp vụ làm đại lý cho Ngân hàng Nhà nước? Vừa trả lãi cho người gửi vàng, vừa trả phí cho các đại lý, lại phải chịu áp lực từ sự biến động của thị trường, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế nào để bảo đảm giá trị của vàng cho dân?

Bà Vũ Thanh Bình (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm):
Cần cơ chế trách nhiệm rõ ràng…

Thực tế thời gian qua cho thấy, ngay cả những thời điểm nền kinh tế khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán tê liệt, thị trường vàng vẫn sôi động (cấm kinh doanh vàng miếng thì người dân tích lũy vàng trang sức cao cấp). Vấn đề người dân chúng tôi quan tâm là khi Nhà nước huy động vàng từ nhân dân thông qua hệ thống ngân hàng, thì giá trị vàng gửi tại ngân hàng có được bảo đảm như giá trị trên thị trường không, trong trường hợp cần thiết có được linh hoạt rút vàng về không và nếu có rủi ro, các tổ chức tín dụng hay Ngân hàng Nhà nước có chịu trách nhiệm với người gửi vàng? Khi có cơ chế làm sáng tỏ những vấn đề này, chúng tôi mới tin tưởng gửi gắm tài sản của mình được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động vàng trong dân, khó hay dễ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.