Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động mọi nguồn lực ứng phó mưa lũ tại các tỉnh miền Trung

Kim Văn - Vân Nga| 17/12/2016 07:32

(HNM) - Ngày 16-12, kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương khu vực Trung và Nam Trung Bộ huy động mọi lực lượng, phương tiện, nguồn lực tham gia ứng phó với mưa lũ với mục tiêu là bảo đảm an toàn tối đa cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước uống; khắc phục nhanh nhất hậu quả mưa lũ ngay sau khi lũ rút…

Bộ đội giúp đỡ người dân phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (Bình Định) đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Phúc


Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thăm hỏi, động viên và tặng quà một số gia đình ở phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) có nhà bị ngập, phải di dời đến nơi an toàn.

Trong ngày 16-12, tại tỉnh Bình Định vẫn còn hơn 90 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn… bị ngập nước và chia cắt nhiều tuyến giao thông. Các địa phương đã di dời khẩn cấp hơn 2.000 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn; tính riêng thị xã An Nhơn đã di dời 337 hộ... Tại Thừa Thiên - Huế, do mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ nên nhiều tuyến đường, khu dân cư thuộc địa bàn huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà và TP Huế bị ngập. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tích cực triển khai phương án ứng phó lũ quét, sạt lở, sẵn sàng sơ tán nhân dân đến nơi an toàn…

Tại tỉnh Quảng Ngãi, do nước lũ lên nhanh nên khoảng 6.000 ngôi nhà của 7 xã, thị trấn của huyện Mộ Đức bị ngập; hầu hết các tuyến đường bị chia cắt... Tại huyện Nghĩa Hành, nước lũ đã chia cắt giao thông 48 thôn, gây ngập 8.845 ngôi nhà. Trong ngày 16-12, huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành đã di dời hơn 3.500 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu sinh sống vùng thấp trũng, nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn… Tại tỉnh Quảng Nam, nhiều địa phương vẫn còn ngập sâu trong nước, nặng nhất là thị xã Điện Bàn: Toàn bộ xã Điện Phương, Điện Minh và một phần ở xã Vĩnh Điện, Điện Nam Đông, Điện Hòa, Điện Phong... đã ngập hoàn toàn trong nước lũ 1-2m.

Thị xã Điện Bàn đã phải di dời khoảng 5.000 hộ dân đến nơi trú tránh an toàn. Nước lũ lên cao đã nhấn chìm nhiều vùng trũng thấp của các xã, phường thuộc TP Hội An như Cẩm Kim, Thanh Hà, Cẩm Nam, Minh An, Cẩm Phô, Cẩm Châu... Tại tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to khiến mực nước các sông lên trở lại, kết hợp với việc xả lũ của hai hồ thủy điện sông Ba Hạ và sông Hinh nên tình trạng ngập lụt diễn ra tại nhiều địa phương. Tỉnh Phú Yên đang tích cực triển khai biện pháp ứng phó.

Thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ ngày 13-12 đến nay, mưa lũ tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai đã làm 7 người chết, 2 người mất tích, 6 người bị thương; sập đổ, hư hỏng 53 ngôi nhà, ngập lụt 3.345 ngôi nhà khác…

* Nhằm trợ giúp bà con vùng lũ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên bà con ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn và Phù Cát (Bình Định). 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huy động mọi nguồn lực ứng phó mưa lũ tại các tỉnh miền Trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.