(HNM) - Bộ Chính trị vừa có Thông báo số 50-KL/TƯ kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông báo số 50-KL/TƯ là Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.
Không khó để nhận thấy, vấn đề thu hút người giỏi tham gia vào hệ thống chính trị các cấp ở nước ta những năm gần đây gặp khó khăn. Ngay tại Hà Nội, 20 năm qua, đã có gần 2.100 thủ khoa các trường đại học, học viện trên địa bàn được vinh danh, nhưng số người diện này đang phục vụ trong các cơ quan quản lý ở Thủ đô rất hiếm. Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến nay, các cơ quan hành chính của đô thị năng động nhất cả nước chưa tuyển dụng được một cử nhân, kỹ sư nào tốt nghiệp xuất sắc từ các trường đại học, học viện.
Việc tuyển dụng người giỏi đã khó, việc giữ chân họ lại càng khó hơn. Hiện tượng viên chức ngành Y tế, Giáo dục nghỉ việc thời gian qua phần nào cho thấy điều đó. Đáng nói hơn, trong những người thôi việc thì người có năng lực và trình độ chuyên môn tốt chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Có 3 nguyên nhân chính gây nên thực trạng trên, bao gồm: Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước không đủ hấp dẫn đa số người có trình độ giỏi. Và nếu không có những đột phá ở cả 3 khâu trên thì tình hình cũng rất khó thay đổi.
Trên thực tế, để thu hút người giỏi làm công chức, viên chức thì phải bảo đảm cho họ thu nhập tốt, điều kiện hành nghề, môi trường làm việc thân thiện và cơ hội thụ hưởng tương xứng với cống hiến. Tuy nhiên, hiện nay, ngạch và bậc lương cơ bản vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến; cũng không bảo đảm được sự công bằng khi trong thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng được hưởng như người có năng lực. Do đó, khi thu nhập không dựa trên tiêu chí hiệu quả cũng không tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, khi ngân sách nhà nước là hữu hạn, muốn thay đổi thu nhập cho người lao động, tất yếu cần giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách. Khi bộ máy tinh gọn lại, số biên chế giảm xuống, đồng nghĩa với việc mức lương được tăng lên, kéo theo đó là cơ hội nhiều hơn cho người trong bộ máy công quyền và từ đó thu hút được nhiều người giỏi vào hệ thống chính trị hơn.
Mặt khác, muốn thu hút thêm người giỏi vào hệ thống đơn vị công lập, không còn cách nào khác vẫn là phải khắc phục những hạn chế, đổi mới mạnh mẽ nhiều vấn đề, trong đó có môi trường làm việc. Nên chăng, thay vì cơ chế dành quyền tuyển dụng cho các đơn vị vốn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tình trạng “con ông cháu cha” thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng, đăng ký của ứng viên để tổ chức kỳ thi tuyển dụng rộng rãi cũng là một giải pháp đặt ra hiện nay.
“Hút” người giỏi vào hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết và cần thiết. Bởi, chỉ có đội ngũ “công bộc” đủ giỏi thì việc quản trị một đơn vị nói riêng, quốc gia nói chung mới bảo đảm phát triển bền vững và theo kịp xu thế thời đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.