Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hương Trà Bồng

Nguyễn Hòa Bình| 19/08/2010 07:06

(HNM) - Cứ hẹn để khất lần, để lại mong được về với núi Ấn, sông Trà, về với mảnh đất anh hùng của khởi nghĩa Ba Tơ, khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi; về với những đất, những làng của Ba Gia, Vạn Tường oanh liệt thời chống Mỹ. Cứ hẹn để tự hỏi mình: Phải sông Trà chảy trong tôi, cho con bống kho cay đến hết một đời ấy biết bao giờ mình về gặp?

Cứ hẹn để tự hỏi mình, đất Quảng Ngãi ấy có sức hút gì ghê gớm thế, mà bạn đồng môn với tôi, anh Nguyễn Tiến Sơn, giờ là Tổng biên tập Báo Quảng Ngãi, ra trường năm 1981, được về làm việc ở một tờ báo của Thủ đô, lại dứt áo ra đi, quyết theo người yêu vào đất này mà lập nghiệp?

Cụ Hồ Văn Hoàng.

Cứ hẹn để muốn nói với bạn bè đồng môn rằng, không phải không có ít người đã no đủ áo cơm, đã có chút này nọ thành ra dễ quên nhau. Thôi, ấy cũng là sự tha hóa đời thường trong vòng quay danh vị. Lan man trong những day dứt về tình người, thói đời thế, tôi biết mình đã ở Quảng Ngãi thật rồi.

Tháng bảy. Cái nắng cuối hạ đầu thu xem chừng bỏng rát hơn. Trời Quảng Ngãi trong veo, cao vời vợi. Chang chang nắng, nhưng màu xanh của biển, màu xanh của cây lá dọc con đường từ sân bay Chu Lai qua Khu kinh tế Dung Quất như làm dịu đi tất cả. Tôi chợt hiểu ra rằng, đất ấy, trời ấy làm sao không cảm được lòng người? Để rồi, ngay trong buổi chiều đầu tiên ở Quảng Ngãi, tôi biết cái cảm ấy của mình có lý, khi thật có duyên được tình cờ mà gặp tới một phần ba số hành khách đi trên chuyến bay mang số hiệu VN 0387 kia, những anh Trung, anh Thanh cùng các anh chị, các bạn là người Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình... giờ vẫn đang làm việc ở Thủ đô, ở đất Cảng, cũng một thời gắn bó với Quảng Ngãi này rồi. Chiều ấy, trong cái dìu dịu của gió mang hơi nước từ biển thổi vào, trong cái nồng say của nghĩa tình, tôi biết Quảng Ngãi đã là một phần không thể thiếu trong tôi.

Sáng sớm hôm sau, trước lúc lên với Trà Bồng, mấy anh Ban Biên tập Báo Quảng Ngãi đến đón tôi đi ăn sáng, bởi các anh muốn dành cho tôi chút hương vị của đất Quảng Ngãi mà các anh gắn bó một đời. Ngồi trong quán cháo vịt góc đường Phan Đình Phùng, tôi cảm được cái nhịp sống mới của một thị xã miền Trung vừa trở thành thành phố. Phố nhỏ rợp bóng cây với vỉa hè khá rộng mà ngập hàng quán. Người Quảng Ngãi ăn gì cũng kèm chút bánh đa, nên cháo cũng bánh đa. Cháo thì "cái ra cái, nước ra nước" ngon mà cũng lạ. Ở Hà Nội, cháo vịt Vân Đình nổi tiếng đấy, nhưng ngay tại đất Vân Đình, thứ vịt cỏ chính hiệu cũng đâu phải lúc nào cũng có. Vịt Quảng Ngãi mỏng mình nhưng thịt săn hơn, không trắng mà xàm xạm, thơm và đậm. Không biết có phải vì nắng, gió miền Trung đã tạo nên hương vị ấy?

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, anh Trần Văn Minh, qua giới thiệu của các anh Báo Quảng Ngãi biết tôi đi công tác một mình, chẳng có phương tiện gì, lại "lạ nước lạ cái", nhất quyết xuống tận nơi đón tôi; báo cử thêm một phóng viên đi cùng, để khi bước chân lên xe rồi tôi chợt nghẹn đi về cái tình của người đất Quảng với bạn bè.

Đường về Trà Bồng đang trong giai đoạn nâng cấp, mở rộng nên nhiều đoạn nửa thì trũng hẳn xuống do chưa rải đá, nửa đang làm dở, lu chưa phẳng, bánh xe nghiến lên mặt đường lạo xạo, lạo xạo. Anh Nguyễn Văn Quang, người Bình Sơn, lên công tác ở đây lúc 24 tuổi, giờ gần năm mươi vẫn cầm vô lăng suốt, nên không ngõ ngách nào của đất Trà Bồng anh không đến. Tám đời lãnh đạo huyện, có người về vài năm chưa kịp đi hết các thôn, nhưng anh thì không có thôn nào không đến, không có thôn nào anh không biết từ ông Bí thư, Chủ tịch đến các già làng, trưởng thôn. Vợ con vẫn ở Bình Sơn, anh không về cũng vì cái tình đất Trà Bồng nặng quá, không nỡ dứt.

Còn anh Minh mới về đây 4 năm, vậy mà chẳng sổ sách, giấy tờ gì, ngồi trên xe tôi hỏi chuyện nào về Trà Bồng, anh cũng vanh vách. Anh cho biết, Trà Bồng có diện tích đất tự nhiên hơn 41.926ha, trong đó đất rừng là 21.315ha. Đất nông nghiệp của Trà Bồng có 32.225ha, nhưng diện tích có thể trồng lúa được chỉ chiếm 1/3 số này. Dân số Trà Bồng hiện hơn 30.680 người, gồm người Kinh 59,2%, Cor 39,8%, Hre 0,34% và các dân tộc khác 0,66%.

Nằm ở phía Tây bắc của Quảng Ngãi, trên độ cao từ 700 đến 1.500m so với mặt biển, Trà Bồng nằm trong vùng khí hậu Á nhiệt đới, có hai mùa mưa và khô tương đối rõ rệt. Rừng Trà Bồng có các loại gỗ quý như: lim, sơn, chò, ké, là nơi sinh sống của nhiều loại thú như voi, cọp, gấu, hươu, nai, giộc, cùng nhiều loại dược liệu như: sâm, mật ong, trầm hương, quế...

Sông Trà Bồng, một trong bốn con sông lớn nhất của Quảng Ngãi, cùng hệ thống các nhánh suối tạo nên một mạng lưới đường nước chằng chịt khắp huyện. Núi cao, dốc lớn lại là vùng mà mưa là mưa đến rát rạt đất trời nên thường gây lũ lụt, lở đất khiến nhiều vùng độ bào mòn lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tầng đất xốp che phủ bề mặt.

Hơn nửa năm đã qua sau cơn bão số 9 cuối năm 2009, Trà Bồng đang xanh lại. Từ những gốc keo, quế, lồ ô... gẫy gập hôm qua, mầm mới đã bật dậy, vút lên trong đổ nát, vút lên như nghị lực người Trà Bồng luôn bám đất, bám rừng vươn tới. Với một huyện được xếp trong danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước, con số thiệt hại tới 40 tỷ đồng đâu phải là nhỏ. 144 căn nhà đổ sập hoàn toàn hôm qua, nay nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự sẻ chia của bà con cả nước, giờ ánh màu tôn mới.

Trà Bồng cách đây mấy năm có tới gần 80% hộ được xếp trong diện nghèo (theo chuẩn cũ). Nhưng người Trà Bồng không cam chịu. Trà Bồng còn khó khăn, nhưng ai đã đến Trà Bồng dù chỉ một lần sẽ bất ngờ đến không tưởng khi cơ sở vật chất dành cho giáo dục luôn được xếp ở hàng đầu.

Lên Trà Bồng, dừng bên Hồ Kiêu, nơi đang nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, biết Trà Bồng đang có hướng xây dựng Trà Bình thành thị trấn, tôi đã ngạc nhiên về những ngôi trường dành cho học sinh các cấp ở đây. Nhưng khi lên đến thị trấn Trà Xuân, nơi làm việc của các cơ quan huyện, từ xa tôi cứ ngỡ đây là cơ ngơi làm việc của cơ quan Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, đến khi nhìn thấy tấm biển "Trường Tiểu học thị trấn Trà Xuân" tôi biết mình đã bị nhầm theo nếp nghĩ thường tình mà tôi vẫn gặp nhiều nơi. Không phải con số 52,7% số phòng học được xây dựng kiên cố, mà chính việc xóa cơ bản các phòng học tranh tre, tạm bợ cũng như không có tình trạng học ba ca ở Trà Bồng mới đáng ghi nhận. Ngay cả các con số 99,7% số học sinh ở độ tuổi ra lớp tiểu học, 95,6% ra lớp trung học cơ sở, cũng đâu đơn giản ở vùng đất khó khăn này. Khi thăm "cơ ngơi" làm việc của lãnh đạo huyện, tôi mới hiểu hơn một điều: Dân Trà Bồng tin và yêu cán bộ vì họ đã làm việc trong môi trường của những người là công bộc của dân thật.

Có lẽ thế, nên chỉ mấy năm thôi, dù hộ nghèo giờ đã được tính theo chuẩn mới, Trà Bồng còn hơn 50% số hộ ở diện này. "Ấy là day dứt nhất của chúng tôi" - Bí thư Huyện ủy Trần Văn Minh đã nói thế. Người Trà Bồng cũng biết thế để tự nhủ mình bám đất, đi lên.

Bám đất đi lên, Trà Bồng năm 2006 có diện tích rừng trồng đạt 7.462ha, thì năm 2010 đạt 10.419,4ha với các loại cây như: keo, quế, xà cừ, lồ ô...

Bám đất đi lên, đàn trâu, bò năm 2006 chỉ đạt 9.922 con, thì năm 2010 lên đến 11.620 con.

Bám đất đi lên, từ vài chục cơ sở sản xuất công nghiệp năm 2006, đến năm 2009 Trà Bồng đã có trên 300 cơ sở bao gồm chế biến gỗ, lương thực, đường thủ công và đồ gia dụng, thu hút từ 1.700 đến 2.000 lao động, bằng 14% số lao động tham gia sản xuất kinh tế của huyện; chính vì thế giai đoạn 2006-2010 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 16,6%.

Về Trà Bồng, tôi đã giật mình khi biết nước khoáng Thạch Bích, thứ nước khoáng mà dân nghiền nước rất thích, nhưng cũng khó kiếm, lại được lấy lên từ chính lòng đất Trà Bồng. Chỉ tiếc, có lẽ do quy mô sản xuất chưa lớn, thương hiệu chưa được quảng bá mạnh nên thứ nước này lại thành ra quá hiếm. Vùng Cà Đam, nơi có đỉnh Cà Đam cao hơn 1.460m, được ví là "Vân phong dạ vũ" có khí hậu đặc biệt như Bà Nà của Đà Nẵng; cùng với công trình thủy điện hồ Nước Trong cũng đã được quy hoạch một cách tổng thể thành khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, để một ngày không xa miền Trung sẽ có thêm một địa danh du lịch.

Về với Trà Bồng, cảm được cái tình của người Trà Bồng, tôi biết những ai đã lên đây, đâu dễ dứt áo mà đi. Tôi đã gặp Nguyễn Thanh Tùng, quê ở Bình Định, lên công tác từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, giờ là Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa huyện, cũng vì mê đất, mê cái hồn văn hóa ở đây mà quyết chí lấy bằng được vợ người Trà Xuân, để giờ gắn bó thành máu thịt.

Hôm về thăm Trà Thủy, gặp ông Hồ Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, biết ông đã từng có tới mười bảy năm làm Chủ tịch, mới sang phụ trách công tác Đảng được gần một khóa, tôi biết thêm một câu chuyện cảm động của người Trà Bồng với cách mạng, với Bác Hồ.

Người Cor, hay còn gọi là người Cua, Khua, Cùa, Trầu... vốn là một cộng đồng cư dân bản địa đã có từ rất lâu đời ở vùng rừng, núi Trà Bồng. Xưa người Cor mang họ Đinh. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với người Cor, Bác Hồ luôn là biểu tượng cao đẹp nhất trong mọi suy nghĩ và hành động của bà con. Ngày Bác mất, trong cánh rừng đại ngàn của Trà Bồng, bên bức tượng Bác được tạc từ thân cây quế - thứ cây quý nhất của người Trà Bồng, lắng nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp buổi lễ truy điệu Bác (9-9-1969), hàng ngàn người Cor Trà Bồng, những con người ưu tú nhất của dân tộc Cor, đã xin cho cả dân tộc mình được mang họ Hồ.

"Người Cor mình từ ngày mang họ Hồ, là sướng hơn đấy" - ông Hồ Văn Nghĩa vừa vục chiếc chén vào bình rượu quý, múc ra mời khách, vừa cười rất tươi, rồi tiếp "Nhà báo được uống trước". Không dám từ chối, tôi nhắm mắt làm một ngụm vẫn không hết nửa cái chén to quá cỡ. Nhìn nước da nâu bóng, ánh mắt sáng và tươi rói của ông, rồi nhìn mấy cô gái người Cor nom khá cao ráo, da trắng, mặt đẹp như người lai, biết có khách đến thăm sang giúp ông tiếp nước; lại nhìn căn nhà xây dựng khá khang trang và lũ cháu đang chạy đùa quanh sân, tôi biết ông đã nói rất thật điều mơ ước của người Cor từ ngàn đời, sao cho có đủ cái ăn, cái mặc.

Bây giờ không chỉ gia đình ông, mà ở xã Trà Thủy này gần như 100% số hộ đã có vô tuyến, tủ lạnh, xe máy tay ga đời mới. Ông bảo "nhà mình chưa phải giàu. Mỗi năm mình chặt cây mình trồng ở rừng, bán được sáu, bảy triệu. Lại bán chừng ba đến bốn con bò nữa, cũng được thêm mười sáu, mười bảy triệu nữa. Dân tộc Cor mình tự hào được mang họ Hồ chứ. Ai cũng mừng lắm". Rất hồn nhiên và cũng rất chân thật, ông kể về cái may mắn của Trà Thủy khi có đường Hồ Chí Minh chạy qua đây. Nhờ con đường ấy, những vật phẩm quý của rừng, những cánh rừng mới do bàn tay người Cor trồng và chăm sóc, sản phẩm đến với cơ sở chế biến, với bà con các miền đất khác thuận tiện hơn nhiều. Lại chợt nhớ đến vài ý kiến phàn nàn về hiệu quả hoạt động của tuyến đường này, tôi cứ mong sao những ai đó từng có suy nghĩ ấy, hãy về với bà con người Cor Trà Bồng, những người đã một đời xả thân cho cách mạng, để hiểu hơn câu chuyện những con đường?

Tôi cũng đã thật may khi được gặp cụ Hồ Văn Hoàng, xã Trà Thủy, giờ đã 93 tuổi, người giữ hồn cho tiếng chiêng của người Cor không chỉ vang giữa đại ngàn Trường Sơn mà còn vang xa cả nước, bay tới nhiều nước trên thế giới. Ngồi trong căn nhà của cụ, ngắm bộ chiêng cùng chiếc đàn Bró được treo trân trọng trên tường, tôi hiểu, với người Cor tiếng chiêng linh thiêng và sâu lắng đến chừng nào. Tiếng chiêng bay lên trong ngày lễ ăn trâu, bởi con trâu với người Cor không chỉ dùng để cày bừa mà còn là vật tế thần. Tiếng chiêng ngân dài trong ngày vui giã rạ. Tiếng chiêng hân hoan rạo rực bên chén rượu nồng ngày cưới. Tiếng chiêng bập bùng sau giờ tiễn khách. Tiếng chiêng vút lên cùng cánh bay của chim Ship blit, như nói giùm niềm kiêu hãnh, khát khao của người Cor.

Trà Bồng đang sáng lên với những công trình thủy điện Hà Nang, Cà Đú...

Cây quế Trà Bồng đã một thời thu hút các thương nhân Hoa kiều, Bồ Đào Nha... lặn lội lên tận vùng rừng xanh, núi đỏ ngày nào để săn lùng, giờ vẫn nồng hương. Người Trà Bồng, người Quảng Ngãi chắc không dễ muốn để mất đi cái sản vật quý báu mà đất rừng Trường Sơn dành cho họ?

Trong tiếng chiêng trầm trầm, lặng lặng như lời tiễn khách vang lên từ nhịp vỗ, ghì của cụ Hồ Văn Hoàng, nghe lời tâm nguyện của cụ mong sao tiếng chiêng của người Cor Trà Bồng được vang lên trong ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; ngắm nhìn cây Nêu trước căn nhà sinh hoạt cộng đồng, tôi thêm hiểu rằng, chính đất ấy, người ấy đã tạo nên hương Trà Bồng, để ai đã đến đây sẽ say suốt một đời.

Quảng Ngãi đêm 1-8-2010

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương Trà Bồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.