(HNMO) - Ngày 10-5, tại Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức đối thoại tham vấn dự án
Trong vài thập kỷ gần đây, phụ nữ di cư ngày càng nhiều hơn, chiếm gần một nửa trong tổng số 10 triệu lao động di cư khu vực Đông Nam Á. Lao động nữ di cư đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng, quốc gia nơi đi và nơi đến.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình di cư, lao động nữ phải đương đầu với nhiều rủi ro, bạo lực, nguy cơ buôn bán người, phân biệt đối xử; làm hạn chế sự tiếp cận của họ với tuyển dụng công bằng, việc làm bền vững, ít dịch vụ hỗ trợ. Đặc biệt, lao động nữ di cư không hợp thức và lao động giúp việc gia đình gặp nhiều rủi ro bị bóc lột, lạm dụng, lao động cưỡng bức và buôn bán người do địa vị và tình trạng bị cách ly.
Tại cuộc đối thoại, các chuyên gia lao động, đại diện của chủ sử dụng lao động và người lao động đã đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái; bảo đảm an toàn, bình đẳng cho lao động di cư khu vực ASEAN; tìm hiểu sự hợp tác và xác định lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện dự án "An toàn và công bằng: Hiện thực hóa quyền và cơ hội của nữ lao động di cư trong khu vực ASEAN”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.