(HNM) - Hiện nước ta có hơn 5 triệu người khuyết tật (NKT), trong đó có 2 triệu người rất cần có nghề nghiệp. Phần lớn trong số này sống ở nông thôn, vì thế việc hướng nghiệp, đào tạo nghề cho họ là hết sức cần thiết.
Những khó khăn
NKT chưa có việc làm phải sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Trường hợp NKT có việc làm thì công việc chủ yếu là làm nông nghiệp, chỉ có 5% làm dịch vụ, buôn bán và một số ít khác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và hành chính sự nghiệp. NKT còn khả năng lao động vẫn chưa được ưu tiên trong việc tiếp cận các việc làm phù hợp mà họ có thể làm tốt được. Nhiều doanh nghiệp thường đưa ra lý do là Bộ luật Lao động quy định thời gian làm việc của NKT là không được vượt quá 7 giờ/ngày hoặc 42 giờ/tuần nên không thể bố trí làm việc trong doanh nghiệp theo ca 8 giờ/ngày.
Trẻ khuyết tật học nghề tại Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố. |
Theo ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, thời gian qua các chính sách của Nhà nước cũng như các cấp, các ngành đã có những hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho NKT còn khả năng lao động nhưng chưa được nhiều do có quá nhiều rào cản nên NKT phải chịu thiệt thòi. NKT sống chủ yếu ở nông thôn, nghề nghiệp không có, văn hóa thấp, họ có tâm sinh lý, sinh hoạt rất khác người thường, do đó NKT rất khó được nhận vào làm tại khu công nghiệp, trừ khi giải quyết được nhu cầu tiếp cận cho họ. Nhưng nếu xây cả hệ thống tiếp cận trong khi trong doanh nghiệp chỉ đưa vào 1-2% NKT thì rõ ràng hiệu quả kinh tế là không có...
Theo ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) thì trước đây nước ta từng có hai trường dạy nghề cho người tàn tật là Trường Trung ương 1 và 2. Sau đó, có quan điểm nên cho NKT học kiểu hòa nhập, nên hai trường này không còn. Nhưng giờ thì việc học hòa nhập cũng có cái khó, khi mỗi NKT có một tật khác nhau, có trình độ tiếp thu không giống nhau và xu hướng học những nghề cũng khác nhau. Thêm vào đó, việc dạy để khi học xong họ kiếm được việc làm, kiếm được tiền chứ không phải học xong để đấy.
Hướng tới tam giác "Đào tạo - việc làm - thu nhập"
Hướng nghiệp cho NKT phải hướng tới tam giác "đào tạo - việc làm - thu nhập". Hướng giải quyết của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam là hỗ trợ cho đơn vị giúp họ học nghề và giữ họ lại làm việc. Đây là hướng đi rất mới bởi hiện Nhà nước mới chỉ hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề kinh phí hướng nghiệp mà thôi. Nếu NKT học ở trung tâm thì mỗi tháng Nhà nước trợ cấp cho họ 540 nghìn đồng/người. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thì khác, hỗ trợ mỗi cơ sở 2 triệu đồng để cơ sở giúp NKT học nghề và sau đó tạo việc làm ít nhất là 1 năm. Như thế hiệu quả kinh tế hơn học ở trung tâm dạy nghề. Chưa hề có trường hợp nào dừng hợp đồng với NKT sau 1 năm cả. "Cách làm này không cần bộ máy nhà nước cồng kềnh. Các hội ở địa phương hoàn toàn có thể làm được. Hội Nông dân giúp NKT làm nghề nông, Hội Phụ nữ giúp NKT là nữ làm nghề phụ", ông Liêu khẳng định.
Hiện Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đang thực hiện "Mô hình xã sinh kế cho NKT" khá hiệu quả ở 22 xã của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hậu Giang, Trà Vinh, Phú Yên, Bình Phước, Thừa Thiên Huế... Với mô hình này, Hội cấp bò cho các gia đình có NKT, rồi cử cán bộ kỹ thuật đến tập huấn cho NKT về chăn nuôi: thức ăn, phòng, chống bệnh, chuồng trại... Từ sự đào tạo này, NKT đã có việc làm và thu nhập từ những con bò mang lại. "Những NKT sức khỏe quá yếu không thể chăn bò được thì chúng tôi cấp qua gia đình, để gia đình cùng họ chăm sóc cho bò sinh lợi", ông Liêu cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.