Nông nghiệp

Hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Ngọc Quỳnh 02/08/2023 - 06:41

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp nói “không” với thuốc bảo vệ thực vật. Việc này không chỉ thay đổi phương thức canh tác, bảo vệ môi trường mà còn hướng đến một nền nông nghiệp an toàn với nhiều sản phẩm chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

cham-soc-rau-thuy-canh-khon.jpg
Chăm sóc rau thủy canh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều mô hình an toàn cho giá trị kinh tế cao

Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, tăng cường thay thế bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc được ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định là giải pháp quan trọng.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt, hợp tác xã có hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ, toàn bộ quá trình gieo trồng, chăm sóc đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, giá gạo của hợp tác xã luôn cao hơn gấp 2,5-3 lần so với các loại gạo sản xuất thông thường khác, cho doanh thu hơn 160 triệu đồng/ha. Để minh bạch hóa quá trình sản xuất, các camera được lắp đặt ngay trên cánh đồng, người quản lý có thể giám sát được các hoạt động một cách dễ dàng.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng, từ năm 2017 đến nay, hợp tác xã trồng rau thủy canh với diện tích 2.600m2. Cây rau được trồng thủy canh trong hệ thống nhà màng, lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, công nghệ tưới nước nhỏ giọt, cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn cho cây trồng... Toàn bộ quá trình sản xuất đều không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nên rau của hợp tác xã đã có thương hiệu, được cung cấp cho nhiều bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì. Doanh thu mỗi năm từ sản phẩm rau của hợp tác xã đạt hàng tỷ đồng.

Để hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại; vận động nông dân sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đạt tỷ lệ hơn 60% trên đồng ruộng của thành phố.

Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo dược, ngành Nông nghiệp cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo chuyên đề hoặc đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã thanh tra 94 cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, phát hiện 2 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền 39,5 triệu đồng về hành vi bán thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Đồng thời, thông báo công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không mua và không sử dụng sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng đến cây trồng.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Nhằm khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc thay thế sản phẩm có thành phần hóa học, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp an toàn về vốn, lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thấy sự cần thiết của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc. Mặt khác, các hội, đoàn thể ở các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường...

Bên cạnh đó, đối với từng loại cây trồng, ngành Nông nghiệp sẽ có những khuyến cáo cụ thể để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Chẳng hạn, đối với cây lúa, nông dân thực hiện đồng bộ các khâu: Chọn bộ giống có sức chống chịu tốt; thực hiện theo quy trình, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), mạ non/thưa, rút nước trong một thời gian, chăm sóc từng giai đoạn, bón phân cân đối. Đối với cây ăn quả, thu hoạch xong cần vệ sinh, cắt cành, tỉa tán, bón phân cân đối, chủ yếu là phân hữu cơ hoai mục kết hợp vôi, lân, chứ không lạm dụng phân hóa học. Còn đối với cây rau, nông dân được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ, sử dụng bẫy bả, bẫy dính để loại trừ sâu hại...

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Phương, về lâu dài, các doanh nghiệp cần cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, gia công thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việc này nhằm tạo ra các sản phẩm thuốc sinh học bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu lực phòng trừ, kéo dài thời gian bảo quản, dễ dàng sử dụng và phù hợp điều kiện sản xuất nông nghiệp, giá thành hợp lý. Qua đó, khuyến khích nông dân sử dụng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp VietGAP, hữu cơ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.