(HNMO) - “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo” là chủ đề của Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44, khai mạc ngày 19-4 tại Hà Nội, do Thông tấn xã Việt Nam đăng cai tổ chức.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý tham dự, cùng các đại biểu quốc tế là lãnh đạo và đại diện các hãng thông tấn thành viên Ban Chấp hành, trong đó nhiều hãng thông tấn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn, như: Azertac (Azerbaijan), TASS (Liên bang Nga), Tân Hoa xã (Trung Quốc), Kyodo News (Nhật Bản), Yonhap News Agency (Hàn Quốc), AAP (Australia), BTA (Bulgaria)…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. |
Hội nghị tập trung vào 3 nội dung mang tính thời sự cao của báo chí hiện nay, gồm: Chiến lược của các hãng thông tấn nhằm ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin, tập trung vào các nội dung video và nền tảng YouTube; tin giả và kiểm chứng thông tin báo chí; giành lại niềm tin đối với báo chí chính thống.
Trong bài phát biểu chào mừng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao chủ đề của hội nghị và nhấn mạnh, một nền báo chí sáng tạo, chuyên nghiệp sẽ cuốn hút độc giả và khán thính giả, củng cố niềm tin của công chúng, đặc biệt trong bối cảnh tin giả đang bào mòn lòng tin của xã hội đối với truyền thông.
Phó Thủ tướng khẳng định, thúc đẩy hoạt động báo chí theo hướng vừa sáng tạo, vừa chuyên nghiệp sẽ tăng thêm sức mạnh cho các tổ chức báo chí thực thi sứ mệnh cung cấp thông tin chuẩn xác, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, kiến tạo hòa bình và hòa hợp.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh đến vai trò ngày càng quan trọng của các hãng thông tấn trong nhiệm vụ cung cấp tin nguồn cho các cơ quan báo chí, trong bối cảnh báo chí chính thống và truyền thông xã hội đang hoạt động trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt chưa từng có.
Với hơn 4 tỷ người sử dụng Internet trên toàn cầu và rất nhiều người trong số này đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan truyền thông tin, báo chí không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh một cách không công bằng với chính công chúng truyền thống của họ. Hơn thế nữa, thông tin thật và thông tin giả cùng tồn tại, song hành trên nhiều nền tảng truyền dẫn. Thực trạng này đã và đang làm suy giảm niềm tin đối với báo chí chính thống.
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm. |
Đối phó với những thách thức đó, các hãng thông tấn thành viên của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương đã và đang thay đổi chính mình để không chỉ thực hiện vai trò cung cấp thông tin mà còn kiểm chứng thông tin nhằm thực hiện sứ mệnh mang đến cho các cơ quan báo chí và công chúng những thông tin chân thực, nhân văn và chuẩn xác. Ứng dụng đổi mới và sáng tạo là điều mang tính sống còn đối với báo chí hiện đại.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, đây là một trong những lý do Ban Thư ký của Tổ chức và TTXVN quyết định chọn chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo” tại hội nghị năm nay.
Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương được thành lập năm 1961 theo sáng kiến của Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO), với mục tiêu tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực. Hiện tổ chức này quy tụ 44 hãng thông tấn thành viên thuộc 35 nước trong khu vực, trở thành tổ chức truyền thông lớn nhất tính về tổng thể diện tích địa lý của các nước và khối lượng thông tin được sản xuất.
TTXVN gia nhập Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương vào năm 1969, là một trong những thành viên tích cực. Đây là lần thứ tư TTXVN đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương, sau các hội nghị vào năm 1989, 1999 và 2005.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.