Mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2023 đến nay chưa như mong muốn, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình đang được cải thiện rõ nét.
Bằng sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế có thể kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao nhất khi kết thúc năm 2023.
Diễn biến thị trường tích cực hơn
Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, với các chỉ số đạt được tháng sau cao hơn tháng trước trên mọi lĩnh vực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10-2023 tăng 5,5% so với tháng 9 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10-2023 cũng đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 9 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, 2 trụ đỡ này của nền kinh tế đang dần lấy lại “phong độ” một cách rõ rệt, đáng mừng. Nhịp độ sản xuất, kinh doanh tiếp tục “ấm” dần lên, với sức mua của cả thị trường nội địa và đối tác nhập khẩu đang cải thiện khá rõ. Các tổ chức kinh tế quốc tế đều nhận xét, Việt Nam đứng trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng hàng đầu khu vực…
Về phía doanh nghiệp, tình hình cũng diễn biến tích cực hơn. Đơn cử, các doanh nghiệp dệt may thành phố Hồ Chí Minh xác nhận đơn hàng xuất khẩu phục hồi khoảng 80% và kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc.
Theo Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK) Phạm Xuân Hồng, từ đầu năm 2023 tới nay, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bước sang quý IV-2023, tình hình đã có phần khởi sắc khi nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu đều tăng trở lại.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt xác nhận, dù thị trường xuất khẩu chưa phục hồi như các năm trước nhưng thực tế trên là động lực cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho dịp cuối năm.
Trên bình diện chung, các chuyên gia cũng khuyến nghị, để có thêm đơn hàng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần chủ động đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm đến thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm ở thị trường truyền thống và đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất "xanh" của từng đối tác…
Quyết tâm, cộng hưởng các giải pháp
Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua còn những hạn chế, bất cập như sản xuất, kinh doanh đối diện khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; một bộ phận doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi thị trường quốc tế vẫn ẩn chứa sự phức tạp, khó lường… Gánh nặng đang dồn lên khoảng thời gian hơn một tháng còn lại của năm 2023, đòi hỏi sự nỗ lực to lớn, với quyết tâm cao và hành động quyết liệt.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%. Có thể thấy rằng, dù đây là mức thấp so với mục tiêu nhưng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh suy giảm mạnh, liên tục trong suốt 3 quý đầu năm. Về chủ trương, Chính phủ xác định sẽ tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng; thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
Riêng giải ngân vốn đầu tư công, với 36 dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, việc sớm đưa công trình vào sử dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao thương, mà còn khơi thông các nguồn lực trên diện rộng. Từ đó, Chính phủ, chỉ đạo tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, trình tự thủ tục đầu tư, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; xử lý các khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên, vật liệu, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ biến động giá nguyên, vật liệu; nâng cao năng lực, chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn gắn liền với tăng cường kiểm tra, giám sát...
Ngoài giải ngân vốn đầu tư công, theo Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Hương Nga, nền kinh tế đang vào đà bứt tốc, đặc biệt diễn ra sôi động tại một số địa phương có công nghiệp phát triển, như Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hải Phòng… Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đang tăng lên dịp cuối năm, trong khi khối doanh nghiệp cũng vào chặng nước rút, tăng tốc sản xuất nhằm đáp ứng các đơn hàng đã ký.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang được tiếp sức thực chất hơn, nhất là thông qua duy trì việc giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, tiếp nhận công nghệ mới… Từ những thực tế nêu trên có thể nhận định, nền kinh tế đang hướng tới mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.