(HNM) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030”. Chỉ thị hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và đến năm 2025, có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội... Dư luận cho rằng, mục tiêu tốt đẹp này sẽ được các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa:
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ
Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của Hà Nội được đánh giá có sự phát triển vượt bậc khi 2 năm qua, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mạnh. Đến tháng 10-2021, Hà Nội có hơn 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 52.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy, ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phấn đấu đứng đầu toàn quốc về thu bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong tình hình mới; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội, nhân viên đại lý thu bảo hiểm xã hội phải bám sát cơ sở, tuyên truyền sự cần thiết, lợi ích thiết thực và kiên trì vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến:
Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền
Thời gian qua, quận đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để đạt các mục tiêu của Chỉ thị số 09-CT/TU, Quận ủy sẽ chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường triển khai công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện. Yêu cầu các cấp ủy Đảng phải coi công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện với nhiều hình thức phù hợp để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và thấy rõ sự cần thiết, lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn:
Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy, huyện sẽ tiếp tục triển khai linh hoạt các giải pháp để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, cách làm tốt để nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất, sửa đổi vấn đề chưa phù hợp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, để người dân hiểu lợi ích thiết thực, từ đó tự nguyện tham gia nhằm bảo đảm quyền lợi cho bản thân.
Ông Nguyễn Đình Nam, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên:
Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới đạt trên 52.000 người là rất thấp so với tiềm năng và số lượng nông dân, lao động tự do, lao động thuộc khu vực phi chính thức. Vì thế, việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm đẩy nhanh tỷ lệ người dân tham gia là rất cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây bất ổn định đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân thì vấn đề này càng trở nên quan trọng. Mỗi đảng viên cần gương mẫu tham gia và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bà Lại Thị Huyền, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm:
Đẩy mạnh cải tiến quy trình quản lý và thủ tục
Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội nên tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ rất sớm. So với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn của loại hình này đem lại thì người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Song, để thu hút được người dân tham gia, trước hết cần đổi mới hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh cải tiến quy trình nghiệp vụ quản lý và thủ tục giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội... theo hướng nhanh gọn, tiện lợi, phục vụ yêu cầu ngày càng cao của người thụ hưởng. Tôi tin, khi các dịch vụ làm người dân hài lòng, họ sẽ tự nguyện tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.