(HNM) - Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ chính sách, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Sau gần 5 năm thực thi, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc để góp phần tạo giá đỡ an sinh cho nhân dân.
Những kết quả bước đầu
Không khó để thấy rõ, nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ có nhiều điểm mới, ưu việt, toàn diện, phù hợp với thực tiễn đời sống trong nước, xu hướng phát triển của quốc tế. Nổi bật là, chính sách chú trọng mở rộng diện bao phủ đến cả nhóm lao động khu vực chính thức và phi chính thức. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (42,5% khối chính thức, 2,5% khối phi chính thức). Tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 60% vào năm 2030.
Đi liền với mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội là mục tiêu có 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội vào năm 2025; tăng lên 60% vào năm 2030. “Ở góc độ này, chính sách bảo hiểm xã hội có vai trò quan trọng trong công tác chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm an sinh xã hội”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Đưa Nghị quyết số 28-NQ/TƯ vào đời sống, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết đến đông đảo cán bộ, nhân dân; đồng thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, địa phương. Chẳng hạn, tại Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, việc phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội được cụ thể hóa tại Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, đồng thời là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của 100% xã, phường, thị trấn.
Nhờ sự chủ động, tích cực, đồng lòng từ nhiều người, nhiều phía, việc thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TƯ đạt những kết quả khả quan. Đến thời điểm này, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,18 triệu người (cuối năm 2018 có 280.000 tham gia chính sách), gấp hơn 4,2 lần sau hơn 4 năm, hiện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt mục tiêu đề ra…
Mở rộng lưới an sinh
Cùng với những kết quả đạt được bước đầu, việc thực hiện mục tiêu tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng số người hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp sau độ tuổi nghỉ hưu còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, để cán đích mục tiêu có 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2025, mỗi năm cả nước cần tăng thêm hơn 1 triệu người tham gia chính sách (những năm trước đó, số người tham gia tăng trung bình khoảng 700.000 người/năm).
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường, nước ta hiện có hơn 14 triệu người trong độ tuổi nghỉ hưu, nhưng số người hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp hằng tháng mới đạt hơn 5 triệu người, bằng khoảng 35% dân số sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, số người mới hưởng lương hưu, trợ cấp trong những năm gần đây chỉ tăng hơn 100.000 người/năm, nên còn xa so với mục tiêu có 55% số người (tương ứng với gần 8 triệu người) sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và các khoản trợ cấp hằng tháng vào năm 2025.
Nghiên cứu về bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến chỉ rõ, hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành còn nhiều nội dung chưa theo kịp những quan điểm chỉ đạo tiến bộ tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ là nguyên nhân chính khiến một số kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Chẳng hạn, một số nhóm đối tượng có nhu cầu, khả năng tham gia bảo hiểm xã hội (chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...) chưa được luật hóa để họ tham gia.
Để thiết lập hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đồng bộ, hiện đại, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được xây dựng có nhiều điểm mới, thống nhất với nội dung, quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ. Trong đó đã bổ sung tầng hưu trí xã hội dành cho người cao tuổi không có lương hưu; bổ sung chế độ với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống còn 15 năm… Tất cả những điều này tạo đà thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, mở rộng lưới an sinh cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.