(HNM) - Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì kết thúc thành công chuyến thăm Ấn Độ. Vẻn vẹn chưa đầy 2 ngày (từ tối 29-2 đến 1-3), nhưng những bàn thảo giữa hai bên đã thắt chặt quan hệ hợp tác, tiền đề quan trọng để New Delhi tổ chức hiệu quả Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS).
Hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ S.M.Krishna - đề cập "tất cả các vấn đề" liên quan đến mối quan hệ song phương, trong đó có đàm phán về đường biên giới chung giữa hai nước - Ngoại trưởng Trung Quốc tập trung bàn thảo công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Nhóm BRICS tại New Delhi vào ngày 29-3 tới. Trước chuyến thăm này, hồi trung tuần tháng 2-2012, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã có chuyến công du tới Brazil trong mục đích tương tự. Trước đó, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đã vận động hành lang để biến sức mạnh kinh tế thành ảnh hưởng ngoại giao lớn hơn bằng cách có được ghế Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc...
Các sự kiện diễn ra trong nội bộ BRICS và giữa khối này với thế giới thời gian qua cho thấy, BRICS đang không ngừng hướng tới một vị thế bền vững hơn trên trường quốc tế. Theo nhiều nguồn tin, tại hội nghị cấp cao cuối tháng này ở New Delhi, BRICS sẽ thành lập một ngân hàng chung để tạo điều kiện tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại giữa các nước thành viên, cũng như các đối tác bên ngoài trong tương lai. Từ năm 2011, Ấn Độ là nước đầu tiên đưa ra đề xuất thành lập ngân hàng chung này với sự đóng góp tài chính ngang nhau và mục tiêu chủ yếu là tài trợ cho các dự án đầu tư, phát triển, cũng như hỗ trợ trao đổi buôn bán giữa các nước thành viên và đối tác ngoài khối. Hiện nay, các quan chức kinh tế cao cấp của 5 thị trường mới nổi đang hoàn tất những nguyên tắc hợp tác khung và nội dung hoạt động chủ yếu của ngân hàng đa phương này và sẽ trình lên Hội nghị Thượng đỉnh BRICS. Còn nhớ, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba, được tổ chức tại thành phố Tam Á (Trung Quốc) tháng 4-2011, các nguyên thủ quốc gia BRICS đã thống nhất về nguyên tắc cần thiết thành lập ngân hàng chung khi cam kết thúc đẩy hợp tác tài chính giữa các ngân hàng phát triển của các nước thành viên. Bởi vậy, từ sự chuẩn bị của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... dư luận tin rằng, hội nghị sẽ mang đến kết quả khả quan cho sự phục hồi kinh tế thế giới.
Hiện tại, BRICS chiếm gần một nửa dân số thế giới và đang có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới, nhất là các nước khu vực đồng Eurozone đang tìm kiếm sự trợ giúp của một số thành viên của nhóm kinh tế mới nổi này để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Năm 2012, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thành viên của BRICS vẫn duy trì nhịp độ phát triển cao và ổn định, cụ thể Brazil có thể đạt 3%, Nga: 3,3%, Ấn Độ: 7%, Trung Quốc: 8,2% và Nam Phi: 2,5%. Theo thể chế tài chính quốc tế này, mức tăng trưởng kinh tế của BRICS rất ấn tượng và cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế của Mỹ dự kiến đạt 1,8%, trong khi khu vực kinh tế của đồng euro giảm 0,5% trong năm nay.
Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc liên tục có các chuyến thăm tới các nước thành viên BRICS sẽ tạo đà cho thành công hội nghị, tập trung hơn nữa vào những vấn đề mang tính lợi ích chung, qua đó khẳng định hơn nữa vai trò của mình, nhất là trong việc kết thúc vòng đàm phán thương mại đa phương Doha nhằm đẩy mạnh tự do thương mại toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.