(HNM) - Chỉ vài phút thao tác trên máy tính, thay vì chờ 3-5 ngày như trước đây để hoàn thành thủ tục, dịch vụ công trực tuyến đã giúp các doanh nghiệp, cá nhân tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc...
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Cục Bảo vệ thực vật. |
Tiện ích, giảm chi phí
Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ NN& PTNT đã khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến. Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Mục tiêu từ nay đến cuối năm, hầu hết dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp sẽ được cung cấp ở mức độ 3; đồng thời nâng cấp và hướng đến phục vụ ở cấp độ 4, cho phép sử dụng thanh toán lệ phí, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng. Ngành Nông nghiệp đang gấp rút hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, dần hướng tới nền dịch vụ công đơn giản, hiện đại, khoa học và minh bạch...
Là một trong những đơn vị tiên phong của Bộ NN&PTNT triển khai giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, từ cuối năm 2016 đến nay, Cục Chăn nuôi đã giải quyết hàng chục nghìn thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực này. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, Cục đã tiếp nhận, xử lý khoảng 40.000 hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận "một cửa" hải quan cấp độ 4. Đây là cấp độ cao nhất trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, nghĩa là doanh nghiệp không phải lên Cục để giải quyết và hoàn thành các thủ tục hành chính liên quan.
Theo ông Dương, trước đây, doanh nghiệp gửi các hồ sơ lên Cục nếu nhanh cũng mất 3 ngày, nhưng nay chỉ cần vài phút thao tác trên máy tính là hoàn thành các thủ tục. “Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã giảm được 50% thời gian cho đăng ký, thậm chí là 70-80%. Khi thực hiện cơ chế "một cửa" quốc gia, cứ 1 lô hàng khi thông quan tiết kiệm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là 75 USD. Với khoảng 40.000 lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được thông quan khi thực hiện cơ chế "một cửa" quốc gia, chi phí tiết kiệm được vào khoảng 60-70 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi phải chịu nhiều sự cạnh tranh và khó khăn từ thị trường” - ông Dương nhấn mạnh.
Không chỉ Cục Chăn nuôi, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng đã giúp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) giảm rất nhiều thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, cá nhân. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung chia sẻ: Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, cá nhân mà còn giúp các cơ quan quản lý kiểm soát tốt các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực của mình.
Tiếp tục nâng cấp dịch vụ công trực tuyến
Triển khai các dịch vụ công trực tuyến có nghĩa là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền, cơ quan chức năng 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Nếu dịch vụ công trực tuyến được triển khai ở cấp độ 4 thì người dân, các tổ chức, doanh nghiệp có thể nhận các kết quả tại nhà. Theo thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN& PTNT), triển khai từ cuối năm 2016, đến nay gần 500 dịch vụ công cấp độ 2 của Bộ đã được tích hợp lên cổng; 9 thủ tục kết nối "một cửa" quốc gia đã được kết nối lên cổng. Bộ đã xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho 8 thủ tục hành chính, gồm: Nhóm dịch vụ công “Cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật” thực hiện 5 thủ tục hành chính tại Cục Bảo vệ thực vật và Nhóm dịch vụ công “Công nhận thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam” thực hiện 3 thủ tục hành chính tại Cục Chăn nuôi.
Đánh giá về triển khai dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Ngoài việc tiết kiệm thời gian, chi phí tiền bạc, điều quan trọng hơn, dịch vụ công trực tuyến góp phần tạo môi trường hành chính phát triển theo tinh thần Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là dấu ấn quan trọng trong công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước của Bộ và thực hiện chương trình Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP.
Phát huy hiệu quả bước đầu, Cổng thông tin dịch vụ trực tuyến của Bộ NN&PTNT đang tích cực nâng cao công năng hoạt động và tính năng bảo mật về thông tin. Thực tế, tuy việc giải quyết các dịch vụ công trực tuyến, ngoài những ưu điểm vượt trội còn tiềm ẩn rủi ro do công nghệ internet ở nước ta còn hạn chế; nhiều cá nhân, doanh nghiệp lúng túng trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua mạng do chưa hiểu rõ, thậm chí chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về internet... Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cho rằng: Trung tâm Tin học và Thống kê tiếp tục phổ biến, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến; đồng thời khuyến nghị giải pháp kỹ thuật, ứng dụng các phần mềm mới để ngăn chặn rủi ro trong hoạt động mạng. Mặt khác, các đơn vị trực thuộc Bộ cần nâng cao hơn nữa về chuyên môn và nhận thức để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.