(HNM) - Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, hầu hết ý kiến đồng tình cao với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, quy hoạch kiến trúc. Đồng thời, một số ý kiến đã đề xuất giải pháp xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, xanh, bền vững.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội:
Xây dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc thù
Tôi thống nhất với mục tiêu tổng quát và các nhóm chỉ tiêu chủ yếu dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nêu ra. Qua 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, tôi cho rằng, Hà Nội có đủ động lực để hoàn thành các chỉ tiêu đã nêu. Tuy nhiên, bên cạnh một trong ba khâu đột phá thực hiện nhiệm vụ là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô; tôi cho rằng, cần xem xét đến cả nhiệm vụ xây dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc thù của Hà Nội.
Chúng ta đã tạo lập được một số không gian cảnh quan tiêu biểu, được đánh giá rất cao: Không gian Hoàng thành Thăng Long, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận... Việc xây dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc thù cũng gắn với yếu tố sáng tạo. Với lợi thế của Thủ đô có quỹ di sản đô thị phong phú và việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hà Nội sẽ rất thuận lợi để thực hiện yêu cầu này.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Lã Hồng Sơn, Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội:
Xây dựng cơ chế chung phát triển đô thị vệ tinh
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, tôi hoàn toàn nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo.
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái.
Do đó, theo tôi cần xây dựng cơ chế chung để phát triển các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái, hình thành các đô thị mới hiện đại, theo hướng xanh, thông minh, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, giảm áp lực đối với một số chức năng của đô thị trung tâm. Đồng thời, cần cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chuyên đề công tác để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội:
Huy động nguồn lực phát triển giao thông tĩnh
Phát triển hạ tầng giao thông; tập trung đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 20-25% diện tích đất đô thị (trong đó giao thông tĩnh đạt tỷ lệ 4-6%); chú trọng quy hoạch, xây dựng các công trình đỗ ô tô ngầm và nổi… là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại dự thảo Báo cáo chính trị. Tôi cho rằng, đây là yêu cầu tất yếu nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, theo tôi cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các bến đỗ xe công cộng để phù hợp với điều kiện mới là tốc độ đô thị hóa và gia tăng phương tiện cá nhân ở mức cao. Ngoài ra là giải pháp huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế thực hiện các quy hoạch và đưa vào khai thác sớm các bãi đỗ xe mới. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư bảo đảm tính ổn định lâu dài và có khả năng thu hồi vốn; tăng cường ứng dụng công nghệ trong điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ... theo hướng đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội:
Tăng cường ứng dụng công nghệ, xây dựng giao thông thông minh
Tôi nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2020-2025 được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Trong đó, đặc biệt ủng hộ việc tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án giao thông thông minh trong tổng thể Đề án thành phố thông minh. Những tiền đề cho việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh đã được triển khai, gồm: Lắp đặt hơn 400 camera giám sát tại 200 nút giao thông; lắp thiết bị giám sát hành trình cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng, xe hợp đồng; ứng dụng hệ thống điểm đỗ xe, thu tiền dịch vụ qua thiết bị di động (iParking)…
Tuy nhiên, để xây dựng thành công hệ thống giao thông thông minh, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, như sớm xây dựng khung kiến trúc và hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ, đồng bộ để định hướng đầu tư, thiết kế hệ thống giao thông thông minh; đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.