(HNM) - Để các thủ khoa hiểu rõ hơn về tình hình biển, đảo; thể hiện tình yêu và ý thức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, trong khuôn khổ Chương trình gặp mặt và tuyên dương thủ khoa năm 2011, Thành đoàn Hà Nội vừa phối hợp với Cục Chính trị Quân chủng Hải quân tổ chức chuyến hành trình "Thủ khoa Hà Nội với biển, đảo Tổ quốc" tại Hải Phòng...
Các thủ khoa và chiến sĩ Hải quân tại buổi giao lưu chủ đề “Thủ khoa với biển, đảo Tổ quốc”. |
Sau khi nghe lãnh đạo Cục Chính trị Quân chủng Hải quân giới thiệu cặn kẽ về tình hình biển, đảo, những vấn đề cấp bách trong công tác tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển, đảo, các thủ khoa đều cho rằng cuộc giao lưu là một diễn đàn đầy ý nghĩa, bồi đắp thêm tình yêu biển, đảo. Các thủ khoa đã nhận thức sâu sắc về khu vực biên giới, hải đảo có vị trí chiến lược quan trọng, nơi có hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã không tiếc xương máu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. "Câu chuyện hướng về biên cương Tổ quốc giờ đây đã không còn là của riêng ai và mỗi ngày ta sống sẽ là một ngày biết ơn với những người lính đang gìn giữ biên cương Tổ quốc". Câu nói trên của thủ khoa Phạm Ngọc Huyền, Học viện Hành chính đã làm nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân xúc động.
Từ những câu chuyện cởi mở của tuổi trẻ trong ngày giao lưu ấy, có thể dễ dàng nhận thấy, cùng với cả nước, thủ khoa Hà Nội không chỉ quan tâm đến vấn đề chủ quyền Tổ quốc, mà còn xác định rõ những hành động thiết thực hướng về biên giới, hải đảo, thể hiện khát vọng và trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong hai ngày giao lưu, gặp mặt với cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, thủ khoa của Hà Nội đã cảm nhận được cuộc sống vất vả, hy sinh thầm lặng và sự thiếu thốn tình cảm của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Tại buổi tọa đàm "Thủ khoa với biển, đảo Tổ quốc", nhiều thủ khoa đã đặt câu hỏi tìm hiểu về cuộc sống của những người lính đảo. Nguyễn Ngọc Dũng, thủ khoa Trường Đại học Mỏ - Địa chất tò mò, trong thời gian công tác trên đảo, ngoài biển lâu dài, thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân, có phút nào chiến sĩ Hải quân yếu lòng suy nghĩ tạm rời xa quân ngũ, về bên gia đình hay không? Chiến sĩ Hải quân khắc phục nỗi nhớ đất liền bằng cách nào? Động lực giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách, thậm chí cả sự hy sinh?...
Đáp lại những băn khoăn của các thủ khoa, Trung úy Nguyễn Huy Luyện, thuộc Hải đội 4, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân chia sẻ, khó khăn gian khổ luôn đồng hành trong những ngày, giờ làm nhiệm vụ. Thậm chí, nhiều khi chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển có tới 8 ngày mới được tắm 1 lần, bởi không có nước, phải chờ trời mưa. "Chúng tôi ai cũng có người thân, gia đình và ai cũng muốn về bên người thân, đó là những tình cảm đời thường. Nhưng, mỗi người chúng tôi đã xác định, vào quân ngũ, theo nghiệp lính là chấp nhận gian khổ, hy sinh. Người thân của chúng tôi cũng hiểu, thông cảm và luôn chia sẻ, động viên. Những tấm gương đồng đội đi trước đã hy sinh thân mình để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc, tại sao chúng tôi không thể vượt qua khó khăn ấy". Trung úy Luyện chia sẻ.
Để góp phần giữ gìn biển, đảo, Trần Thu Nga, thủ khoa Đại học Quốc gia Hà Nội bật mí: "Khi hiểu rõ về tình hình biển, đảo, tới đây, chúng tôi sẽ thành lập Câu lạc bộ Thủ khoa nghiên cứu các công trình khoa học, kinh tế phát triển vùng biển, đảo". Cấn Xuân Dũng, thủ khoa Học viện Cảnh sát nhân dân nói rằng: "Biển, đảo là một phần máu thịt của quốc gia, nơi ấy còn rất nhiều khó khăn. Nhưng bằng tinh thần xung kích sáng tạo của tuổi trẻ, tôi và các bạn thủ khoa hôm nay sẽ sát cánh cùng chiến sĩ, tuyên truyền, vận động toàn dân hãy hướng về biển, đảo, dù đó là hành động nhỏ nhất".
Chia tay với chiến sĩ Hải quân, mỗi thủ khoa đều hiểu và thấy rõ trách nhiệm của mình, hứa rằng trở về Hà Nội, trên cương vị công tác, học tập của mình sẽ là những tuyên truyền viên tích cực đến nhân dân về tình hình biển, đảo, từ đó mỗi người sẽ có ý thức, hành động thiết thực góp phần giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.