(HNM) - Ngày càng nhiều quốc gia có nền thể thao mạnh mong muốn gửi quân tập huấn, thi đấu giao lưu tại Hà Nội, nhất là khi Olympic Tokyo 2020 không còn quá xa. “Nếu kịp thời nắm bắt và chủ động tìm cách đáp ứng nhu cầu này, chắc chắn sẽ gợi mở nhiều cơ hội và lợi ích cho thể thao Thủ đô”, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng khẳng định...
Ông Antonio Eduardo Becali Garrido - Chủ tịch Viện Thể thao và Giải trí Cu ba (INDER) chụp ảnh lưu niệm cùng vận động viên đội tuyển đấu kiếm Hà Nội. |
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về xu hướng tìm kiếm địa điểm tập huấn tại Hà Nội của các quốc gia có nền thể thao mạnh trong thời gian gần đây?
- Nhu cầu tìm địa điểm gửi quân tập huấn ở Hà Nội là có thực. Gần nhất là đoàn công tác của Viện Thể thao và Giải trí Cuba (INDER) do Chủ tịch Antonio Eduardo Becali Garrido dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội (Mỹ Đình - Hà Nội). Chủ tịch của INDER đã trực tiếp thăm từng nhà tập, phòng tập, xem xét kỹ điều kiện cơ sở vật chất, trò chuyện cùng các huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội. Ông bày tỏ mong muốn tìm kiếm địa điểm tập huấn cho các đội tuyển thể thao của Cuba chuẩn bị cho Olympic Tokyo năm 2020, ở Hà Nội - nơi ông đánh giá là “điểm tập huấn lý tưởng”, khi mà Hà Nội và Tokyo không chênh lệch quá về múi giờ, khí hậu...
Trước đó, đoàn vận động viên judo của đội tuyển sinh viên Nhật Bản với lực lượng rất mạnh cũng ghé thăm và giao lưu với trung tâm. Trong dịp này, một số quan chức của thể thao Nhật Bản cũng gặp gỡ và trao đổi cùng lãnh đạo trung tâm nhằm tìm hiểu, tăng cường hợp tác phát triển các môn võ Nhật Bản có thế mạnh như karate và judo. Dịp cuối năm 2017, chúng tôi cũng liên tiếp đón các đoàn thể thao mạnh...
- Xu thế này mở ra rất nhiều lợi ích, thưa ông?
- Việc Hà Nội tạo điều kiện tập huấn cho đội tuyển các nước không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn, mà chúng ta cũng có rất nhiều điểm lợi. Thứ nhất, vận động viên sẽ có thêm điều kiện tiếp cận kỹ thuật, phương pháp tập luyện hiện đại. Khi sang Hà Nội tập huấn, các đội cũng mang theo những trang thiết bị chuyên dụng, và đó cũng là cơ hội giúp các nhà quản lý và chuyên môn cập nhật hơn về thông tin. Thứ hai, Ban Huấn luyện đội tuyển các nước có nhiều huấn luyện viên giỏi, có trình độ và giàu kinh nghiệm, nên đây cũng là cơ hội cho các huấn luyện viên của Hà Nội được học hỏi, nâng cao trình độ. Thứ ba, quá trình tập huấn, các vận động viên của ta và họ có nhiều buổi tập trung, có các đợt thi đấu giao lưu đối luyện, qua đó, các vận động viên Hà Nội sẽ ngày càng tự tin, có cơ hội nâng cao bản lĩnh, tinh thần thi đấu hơn. Thứ tư, những hoạt động như thế sẽ giúp tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác thể thao thành tích cao, những người làm công tác quản lý như chúng tôi cũng có thêm nhiều cơ hội thuận lợi khi đặt quan hệ tập huấn, thi đấu ở nước bạn, mở rộng quan hệ hợp tác...
- Bên cạnh lợi ích về chuyên môn, hẳn chúng ta cũng có lợi ích về kinh tế nếu khai thác tốt các cơ hội tập huấn giao lưu “tại chỗ”. Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Thực tế các đợt tập huấn của đội tuyển các nước thời gian qua, phía bạn chủ động lo toàn bộ kinh phí di chuyển, ăn ở, trang thiết bị tập luyện cá nhân, chuyên gia huấn luyện... Họ chỉ mong được tập tại các nhà tập luyện được đầu tư khang trang, hiện đại của Hà Nội. Còn chúng ta hầu như không mất thêm chi phí gì nhưng được đón tiếp, tập luyện cùng các vận động viên giỏi để nâng cao trình độ.
Trên thực tế, mỗi khi chúng ta cử đội tuyển đi tập huấn nước ngoài, chi phí là không nhỏ. Trong đó, riêng khoản chi phí ăn, ở tại các trung tâm huấn luyện của các nước bạn tối thiểu cũng vài chục USD mỗi ngày/người. Nếu thu được tiền ăn, ở cho mỗi đợt tập huấn của các đội tuyển nước bạn tại Hà Nội, tôi nghĩ chúng ta sẽ có được nguồn thu đáng kể để tái đầu tư. Đây thực sự là một hướng đi cần nghiên cứu nhằm phát huy lợi thế không chỉ về chuyên môn, mà còn khai thác được nguồn thu phát triển thể thao Thủ đô.
Hiện tại, trung tâm được TP Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao đầu tư khang trang, hiện đại, đủ điều kiện đón bạn sang tập luyện. Tuy nhiên, đáng tiếc là khu nhà ở đã nhiều năm không được nâng cấp, tu bổ nên không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của phía bạn. Các đội tuyển nước ngoài đến Hà Nội tập huấn thường phải đi thuê khách sạn bên ngoài trung tâm, vừa bất tiện cho họ, vừa lỡ cơ hội tăng nguồn thu để tái đầu tư cho thể thao của chúng ta.
- Đây thực sự là bài toán đầu tư nhiều tiềm năng và cần được lưu ý...?
- Ngoài trách nhiệm đào tạo, huấn luyện các vận động viên Hà Nội thi đấu đạt thành tích cao tại các giải quốc gia, các kỳ đại hội thể thao toàn quốc, các giải đấu khu vực, châu lục và thế giới, yêu cầu đẩy mạnh phát triển thể thao theo hướng chuyên nghiệp - hiện đại, đòi hỏi Thể thao Hà Nội cần tăng cường hợp tác quốc tế về thể thao như một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Hơn nữa, như đã chia sẻ, việc mở rộng hợp tác quốc tế, đón các đoàn thể thao mạnh của các nước đưa vận động viên giỏi tầm cỡ quốc tế sang thi đấu ở Hà Nội đem lại những lợi ích vô giá với các vận động viên Thủ đô. Nếu được đầu tư nâng cấp khu nhà ở thì sẽ thêm nguồn thu, còn không, với cơ sở vật chất tập luyện và tiềm năng của Hà Nội, tôi tin rằng vẫn còn nhiều cơ hội để đón ngày càng nhiều đội tuyển các nước hơn nữa.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.