Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng mở cho đô thị xanh

Chí Kiên| 02/10/2016 07:30

(HNM) - Để có thêm nhiều tuyến đường phủ màu xanh tươi mát, Hà Nội đặt mục tiêu từ năm nay đến năm 2020 trồng mới 1 triệu cây xanh trên đường phố. Cụ thể hóa chủ trương này, thành phố đã chỉ đạo Ngành Nông nghiệp rà soát diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng trên địa bàn để xây dựng thành vườn ươm cây xanh đô thị.

Cán bộ Trung tâm Lâm nghiệp kiểm tra mức độ sinh trưởng và phát triển của cây dầu tại vườn ươm.


Đây là một hướng đi mới, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân và góp phần hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đô thị trong những năm tới…

Những tiền đề quan trọng

Khu đất lâm nghiệp của chị Trịnh Thị Lan ở khu Lâm Nghiệp, thuộc thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) có diện tích 1,1ha, được Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội (Trung tâm Lâm nghiệp) giao khoán lâu dài để triển khai mô hình vườn quả. Trước đây vườn trồng xoài, vải cùng một số cây ăn quả khác nhưng do đất kém dinh dưỡng nên hiệu quả không cao. Sau đó, chị Lan trồng thêm 1.000 cây sấu, hiện cây đã khép tán, cao từ 2 đến 3m.

Mấy ngày nay, chị Lan tập trung nhân lực chăm sóc cây đồng thời vệ sinh, thực hiện các biện pháp cải tạo khu đất. Một khối lượng lớn thực bì và cây cỏ, chị Lan thu dọn về một chỗ để ủ mục làm phân bón cây. Những khoảng đất trống lộ ra sau khi dọn dẹp thực bì, chị Lan xới lên để phơi ải đất. Chị Lan chia sẻ: Kinh nghiệm dân gian cho thấy, “một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân”. Ải và phơi đất là một giải pháp kỹ thuật ưu việt đem lại nhiều lợi ích, ngoài việc cải tạo hệ vi sinh vật, tăng cường lượng ô xy trong đất còn có tác dụng giải phóng chất khí độc có hại cho cây trồng.

Chỉ tay về phía góc xa của khu vườn, chị Lan nói: Tới đây dự kiến khu ấy sẽ trồng bàng Đài Loan theo chương trình phát triển cây đô thị của Trung tâm Lâm nghiệp. Chị Lan và một số hộ gia đình ở khu Lâm nghiệp sau khi được Trung tâm Lâm nghiệp rà soát diện tích đất dự kiến tới đây triển khai vườn ươm cây xanh đô thị, trồng rừng sinh thái trên địa bàn thành phố, đã tiến hành các biện pháp vệ sinh và cải tạo đất vườn. Nhiều hộ cũng tính đến việc ủ dự trữ phân gà, phân trâu bò để bón cho cây. Đánh giá về chủ trương này, chị Trịnh Thị Lan cho rằng, “nếu được triển khai, bên cạnh mục tiêu cung cấp cây đô thị, chương trình sẽ tạo ra việc làm, tăng thêm thu nhập và quan trọng nhất là xây dựng được hệ môi trường sinh thái bền vững”.

Theo ông Tạ Duy Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp, việc triển khai chương trình phát triển vườm ươm có nhiều tiền đề thuận lợi, ngoài sự ủng hộ của người dân đang nhận đất lâm nghiệp giao khoán, chương trình trồng cây nâng cấp chất lượng rừng và trồng khảo nghiệm cây xanh đô thị tại Trung tâm trong những năm qua đã và đang đạt được kết quả khả quan. Từ năm 2012, ở khu vực rừng Sóc Sơn triển khai trồng cây nâng cấp, làm giàu rừng phòng hộ bằng các loại cây bản địa, phù hợp với cây đô thị như lim xanh, sao đen...

Chương trình thực hiện trên diện tích 133ha, cây sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây hiện nay bình quân đạt 3m, đường kính tán từ 1,2 đến 1,5m, đường kính thân từ 2 đến 4cm. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang chăm sóc, khảo nghiệm vườn ươm cây đô thị khoảng 2.000 cây, gồm 50 loài, phổ biến có sao đen, lim xanh, re hương, dổi xanh, sấu… Theo quan sát của chúng tôi, các loại cây xanh tại vườn ươm khảo nghiệm phát triển tốt, tán rộng, thân thẳng, cứng cáp dù được trồng với mật độ khá dày. “Qua nắm bắt quá trình sinh trưởng của cây chúng tôi nhận thấy vùng lập địa và vùng tiểu khí hậu ở khu vực Sóc Sơn phù hợp với các loại cây xanh bản địa, cây xanh đô thị phát triển” - ông Long đánh giá.

Tạo nguồn cây xanh đô thị chất lượng và bền vững


Theo kết quả kiểm kê rừng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội hiện là 27.756,41ha, trong đó có 18.642ha có rừng và hơn 9.114ha chưa có rừng (gồm đất trống có cây gỗ tái sinh là 367ha, đất rừng trồng chưa thành rừng 1.366ha, đất trống không có cây gỗ tái sinh 3.226ha, núi đá không cây 726ha, đất có cây nông nghiệp 1.775ha và còn lại là đất khác trong lâm nghiệp). Trong số diện tích đất chưa có rừng, khoảng 4.643ha có thể rà soát để xác định diện tích đủ khả năng trồng rừng, gồm những diện tích đất trống có và không có cây gỗ tái sinh, đất đang có cây nông nghiệp. Những diện tích còn lại không trồng rừng được do là núi đá hoặc địa hình không thuận lợi; đất mặt nước, đường lâm nghiệp… Theo bà Mai Minh Hương, Phó phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội), để đáp ứng điều kiện làm vườn ươm cây xanh đô thị, diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng phải bảo đảm độ dốc và độ cao thấp, vùng tiểu khí hậu phù hợp, tầng đất dày và vị trí gần nhà dân.

Theo kết quả rà soát bước đầu, trong tổng số diện tích đất chưa có rừng của Sóc Sơn là 1.662ha, diện tích đất trống có khả năng triển khai làm vườn ươm cây xanh đô thị tại khu vực rừng phòng hộ bảo vệ môi trường gần 30ha, tập trung ở các xã Tiên Dược, Phù Linh, Quang Tiến, Hiền Ninh, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Phù Linh và Minh Phú. Ông Tạ Duy Long đánh giá, diện tích đất kể trên đáp ứng được các điều kiện để có thể ươm trồng được cây đô thị như có tầng đất tốt (so với toàn khu vực rừng Sóc Sơn), độ dốc vừa phải, độ cao hợp lý và đặc biệt là thuận lợi cho ươm trồng, chăm sóc, bảo vệ và đánh chuyển cây.

Trung tâm cũng đề xuất trồng 8 loại cây, gồm bàng Đài Loan, chiêu liêu, dổi xanh, sao đen, giáng hương, re hương, sấu và phượng vĩ. Theo ông Long, dù chọn được vị trí tốt nhất nhưng do đất ở khu vực Sóc Sơn là đất feralit vàng đỏ nghèo dinh dưỡng, tầng đất nông so với nhiều khu vực khác (30 - 60cm), nếu ươm trồng cây đô thị cần có biện pháp cải tạo đất như bổ sung đất màu, phân hữu cơ, phân vi sinh và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. “Nếu được đầu tư bài bản, bảo đảm các điều kiện chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật thì ươm cây giống từ 1 đến 2 năm tuổi, sau 4 đến 5 năm là có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cây đô thị” - ông Long cho hay.

Bà Mai Minh Hương cho biết, việc rà soát đất lâm nghiệp để ươm trồng cây xanh đô thị bảo đảm các quy định hiện hành và phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của TP Hà Nội. Trên cơ sở báo cáo thực trạng sử dụng đất lâm nghiệp của Trung tâm Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT đang tiến hành rà soát lại theo chỉ đạo của UBND thành phố theo hướng mở rộng diện tích, chủng loại cây trồng và vị trí đặt vườn ươm thuận lợi cho di chuyển cây, khoanh nuôi, bảo vệ…

Đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội khi thực hiện kế hoạch phát triển vườm ươm cây xanh đô thị trên đất lâm nghiệp chưa có rừng, Sở NN&PTNT cho biết, chương trình được triển khai sẽ chủ động được nguồn cung ứng cây xanh đô thị và cây bản địa cho phát triển cây xanh đô thị và trồng rừng sinh thái trên địa bàn thành phố; dự toán giá thành xuất vườn ươm khi cây xanh đáp ứng đủ tiêu chí chỉ bằng 50% giá cây trên thị trường hiện nay. Về môi trường, cải tạo đất đai, tăng độ màu mỡ của đất, tăng cường đa dạng sinh học, góp phần phủ xanh diện tích đất chưa có rừng; tránh xói mòn, hoang hóa đất đai; bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng... Do đó người dân ngày càng gắn bó với rừng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng mở cho đô thị xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.