(HNMO) – Trong thời gian qua, có khá nhiều các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng điện máy phải đóng cửa hoặc thu gọn hệ thống phân phối do sức mua hàng sụt giảm, thị trường trầm lắng.
Bên cạnh đó, nhiều trung tâm điện máy lớn lại chuyển hướng phát triển ra các vùng xa trung tâm hơn hay sử dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng. Liệu đây có phải là hướng đi đúng cho thị trường điện máy đang trên đà đi xuống?
Thị trường điện máy ở các thành phố lớn đang bão hòa
Mấy năm trở lại đây, rất nhiều siêu thị điện máy ồ ạt mở ra với quy mô lớn, đánh mạnh vào thị trường tiêu thụ là các thành phố lớn, tập trung đông dân cư như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Đây là mặt hàng “béo bở” được tung vào thị trường “béo bở”, theo đó doanh thu của các trung tâm, siêu thị điện máy cũng tăng đến mức chóng mặt.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, ở các thành phố lớn, mặt hàng điện máy đã gần như bão hòa, không thu hút được sự quan tâm của một lượng khách hàng lớn như trước đây. Lý do cốt yếu khiến thị trường này chững lại đơn giản là nhu cầu của người dân không còn mạnh như mấy năm trước, họ đã “sắm” đủ các vật dụng cần thiết nhất cho cuộc sống của mình, vì thế sức mua cũng giảm sút mạnh.
Theo số liệu thống kê quý I/2012 của Bộ Công Thương, so với cùng kỳ năm 2011, sức mua của ngành ngành cơ khí, điện, điện tử đang giảm mạnh, như tivi giảm 6,1%, điều hòa nhiệt độ giảm tới 81%... Các doanh nghiệp điện máy cho biết, so với trước tết nguyên đán, doanh số hàng điện máy giảm 50%-70%.
Nghiên cứu của CBRE Việt Nam cũng cho biết: Trong vài tháng vừa qua, người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu với các mặt hàng như quần áo, trang sức, mỹ phẩm và điện máy. Điều này khiến một số hãng bán lẻ phải thu hẹp hoạt động…
Đứng trước tình cảnh này, rất nhiều trung tâm điện máy lớn cũng trở nên điêu đứng. Nhiều trung tâm điện máy lớn như Thế giới số 24G, Wonderbuy, Lộc Lê… đã buộc phải đóng cửa, các trung tâm khác như Pico hay Trần Anh, Media Mart… đều phải thu hẹp lại quy mô nhằm cắt giảm chi phí.
Doanh thu giảm mạnh, trong khi đó chi phí mặt bằng, phí duy trì vẫn không hề giảm, cộng với rất nhiều sản phẩm tồn kho, không thể quay vòng vốn khiến nhiều doanh nghiệp điện máy buộc phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh để tiếp tục tồn tại.
Giải pháp của các doanh nghiệp
Để giải quyết bài toán tồn kho, các siêu thị điện máy đã tiến hành thu hẹp thị phần ở thành phố và mở rộng ra thị trường các tỉnh - nơi mà nhu cầu tiêu thụ mặt hàng điện máy còn khá lớn.
Điển hình là siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã mở thêm 6 chi nhánh điện máy tại các tỉnh miền Tây. Ở các tỉnh, giá thành sản phẩm là vấn đề được quan tâm hàng đầu, lượng hàng tồn kho sẽ được chuyển về các cơ sở mới này và bán với giá rẻ nhằm kích cầu thị trường. Những mặt hàng thuộc phân khúc bình dân như: tủ lạnh, điều hòa, quạt máy và các loại tivi có giá dưới 10 triệu đồng sẽ được coi là trọng tâm, dễ tiêu thụ vì phù hợp với đời sống người dân.
Bên cạnh đó, siêu thị Điện máy - Nội thất Chợ Lớn cũng mở cửa đi vào hoạt động tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay Thiên Hòa đã đưa vào hoạt động một trung tâm điện máy lớn nhất tại Bình Dương cho thấy xu hướng chuyển dịch về các tỉnh của mặt hàng điện máy.
Song song với việc mở thêm chi nhánh, nhiều đơn vị điện máy đẩy mạnh thêm hình thức kinh doanh online để nhắm đến đối tượng khách hàng rộng lớn hơn từ thành phố đến địa phương, đặc biệt tại các tỉnh thành nơi mà trung tâm điện máy còn khá hiếm hoi.
Vấn đề thanh toán vốn nan giải nhất trước đây cũng đã được giải quyết bằng việc tích hợp các công cụ thanh toán trung gian như NgânLượng.vn, Smartlink, Onepay…để người mua có thể mua sắm và thanh toán dễ dàng, an toàn, tiện lợi. Đi tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến siêu thị Điện máy Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Viettel Store…
Theo đại diện của Siêu thị điện máy Nguyễn Kim: “Trong thời buổi kinh tế khủng hoảng như hiện nay, việc chuyển dịch sang xu hướng bán hàng online là điều tất yếu. Bán hàng trực tuyến giúp Nguyễn Kim có thị trường rộng lớn với chi phí thấp hơn. Việc tích hợp các công cụ thanh toán trung gian như NgânLượng.vn và PayPal.com giúp Nguyễn Kim tận dụng được tập khách hàng rộng lớn thường xuyên sử dụng internet của các đơn vị này”.
Ngoài các hoạt động kinh doanh online, nhiều giải pháp marketing cũng được tung ra với hy vọng cứu vớt được bài toán doanh số. Nhiếu chiến dịch xả hàng, nhiều chương trình khuyến mãi khủng, cộng thêm những ưu đãi hấp dẫn nhằm giải quyết hết những mặt hàng tồn đọng và kích cầu mua sắm như: tặng phiếu giảm giá 500 nghìn khi mua sắm trên eBay cho khách hàng của Nguyễn Kim thanh toán qua Ngân Lượng, giảm thêm 10% các mặt hàng khi thanh toán qua thẻ Sacombank tại Nguyễn Kim hay giảm giá đến 30% khi thanh toán bằng thẻ JCB Vietinbank khi mua sắm tại Pico…
Đó là những chương trình các bên cùng hợp tác để tiết kiệm chi phí, lôi kéo được người mua từ những website khác… Việc hợp tác thế này mang lại nhiều lợi ích cho người dùng cũng như doanh nghiệp và thực tế cũng mang lại nhiều kết quả khả quan.
Bà Đỗ Thanh Hà – Trưởng phòng Marketing của Ví điện tử & Cổng thanh toán NgânLượng cho biết: “Trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay, việc tối ưu hóa các kênh bán hàng là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp. Vừa qua, NgânLượng.vn cũng đã phối hợp với siêu thị điện máy Nguyễn Kim thực hiện các chương trình marketing giảm giá sâu cho những khách hàng mua hàng của Nguyễn Kim và thanh toán qua cổng thanh toán NgânLượng nhằm giúp khách hàng có cơ hội mua được nhiều sản phẩm chính hãng giá rẻ. Điều này giúp tận dụng tối đa các kênh truyền thông, phủ sóng thông tin đến tập khách hàng của hai bên và mục đích cuối cùng là tăng doanh số tiêu thụ”.
Việc tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm giảm thiểu chi phí marketing và hớt người mua từ website khác và mở rộng tập khách hàng, đôi bên cùng có lợi đang là xu hướng của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Trong thời buổi lạm phát, các đơn vị kinh doanh cần phải cắt giảm chi tiêu thì việc hợp tác này có vẻ như là cách làm khá hiệu quả.
Dự báo sức mua của thị trường điện máy từ nay đến cuối năm chưa thể cải thiện, giới kinh doanh xác định, vấn đề lợi nhuận năm nay không được đặt ra nhiều. Cách duy nhất là giảm giá sản phẩm và tạo ra các chuỗi sự kiện để giữ khách, duy trì được miếng bánh thị phần sau nhiều năm gây dựng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.