(HNM) - Trước bối cảnh nhu cầu về năng lượng tăng lên nhanh chóng, Việt Nam đã đẩy mạnh việc chuyển dịch năng lượng xanh và sạch, giảm dần năng lượng hóa thạch... nhằm hướng đến phát triển năng lượng bền vững. Điều này đã hỗ trợ tích cực cung cấp các nguồn điện, nhất là thời gian qua tại khu vực miền Bắc khi thiếu nguồn, phụ tải tăng cao góp phần bảo đảm cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025.
Về việc chuyển dịch năng lượng thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng cho biết, nhờ các chính sách khuyến khích, phát triển năng lượng xanh và sạch, nhất là trong 2 năm 2019-2020, năng lượng tái tạo ở Việt Nam (đặc biệt là điện mặt trời) đã có sự phát triển rất nhanh. Tính đến hết ngày 31-12-2020, trong tổng số 69.340MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc có 16.420MW điện mặt trời (bao gồm 8.673MW điện mặt trời tập trung và 7.755MW điện mặt trời mái nhà); 514MW điện gió; 382,1MW điện sinh khối; 9,43MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Kết quả thực tế các năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ đồng - 21.000 tỷ đồng). Các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản thông tin thêm, Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Tuy nhiên, cần tích hợp hài hòa và có lộ trình việc phát triển công nghệ năng lượng tái tạo với khuyến khích thúc đẩy công nghệ hiệu quả năng lượng để chuyển dịch năng lượng thành công.
Thực tế, việc phát triển "nóng" cũng mang đến những hệ lụy không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500kV (do điện mặt trời, điện gió hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung, nơi có tiềm năng tốt hơn), tác động đến huy động công suất và số lần tăng, giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tuabin khí, làm tăng chi phí, giá thành ngành Điện.
Đề xuất định hướng trong thời gian tới, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, cần khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức khoảng 20% công suất hệ thống kết hợp với việc phát triển các nguồn linh hoạt như thủy điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong, pin lưu trữ…
Cũng theo các chuyên gia, việc phát triển điện gió trên bờ cần được kiểm soát để tỷ lệ điện gió trên bờ, điện mặt trời ở mức hợp lý. Với các dự án điện gió ngoài khơi, chú trọng phát triển khi điều kiện chi phí đầu tư, vận hành - bảo dưỡng và hệ thống hạ tầng lưới điện giải tỏa công suất được chuẩn bị sẵn sàng. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng tự sử dụng là chính. Quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ đấu nối vào lưới điện từ 35kV trở xuống mà không yêu cầu phải cải tạo nâng khả năng tải của lưới điện hiện hữu. Để khuyến khích, giá bán điện dư của các dự án này có thể nghiên cứu quy định ở một mức phù hợp, điều chỉnh theo năm và nằm trong khung giá phát điện mặt trời do Bộ Công Thương ban hành hằng năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.