(HNM) - Sau khi đưa ra Đạo luật Truyền thông bị coi là bóp nghẹt tự do báo chí, việc Quốc hội Hungary thông qua Hiến pháp mới ngày 18-4 - chỉ một tháng sau khi văn kiện pháp lý sửa đổi này được công bố - đang là tâm điểm của làn sóng chỉ trích của dư luận cả trong và ngoài nước.
Một trong những nguyên nhân gây bất bình là trong chiến dịch tranh cử, đảng cầm quyền Fidesz không mảy may có ý kiến nào liên quan đến sửa đổi Hiến pháp. Nhiều cử tri cho rằng họ không ủy nhiệm sứ mạng thay đổi văn kiện mang tầm quốc gia này khi bỏ phiếu bầu cho Fidesz. Bên cạnh đó, trái với bản Hiến pháp tạm thời từ hơn 20 năm nay, phần lớn chỉ nhắc đến những quyền công dân, Hiến pháp mới còn nhấn mạnh đến những bổn phận, trách nhiệm, như trách nhiệm của cha mẹ với con cái, của con cái với người già, hoặc bổn phận "đóng góp cho sự thăng tiến của xã hội thông qua lao động, phù hợp với khả năng của mình". Những điều khoản ấy được cho là thích hợp để nhà nước can thiệp vào đời tư của cá nhân, và có thể dùng để hạn chế một số quyền cơ bản của công dân.
Một điều khoản mấu chốt gây tranh cãi trong xã hội, là thẩm quyền và chức năng của Tòa án Hiến pháp bị thu nhỏ, với dụng ý rõ ràng là để cho tòa đỡ "can thiệp" vào những quyết sách của Chính phủ trong vấn đề tài chính và ngân sách quốc gia. Ðây là điều nguy hiểm, vì như thế có thể sản sinh những đạo luật vi hiến.
Theo nhận định của các nhà luật học, cho dù bị xem là mang tính tạm thời, nhưng bản Hiến pháp mà Hungary sử dụng trong hơn 20 năm qua không hề có khiếm khuyết gì đáng kể để cần phải thay đổi. Một số diễn đạt của Hiến pháp có thể chưa rõ ràng, nhưng bù lại, nó đã được bổ khuyết bởi các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary, vốn được coi là mẫu mực trong sự vận hành một nhà nước pháp quyền hợp hiến.
Nhiều người cho rằng, việc liên minh cầm quyền chớp thời cơ nắm giữ hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội để xúc tiến việc sửa đổi Hiến pháp với tốc độ chóng mặt đã tạo ra một tiền lệ xấu, làm gia tăng lo ngại trong thời gian tới Fidesz có thể sử dụng thế áp đảo để thông qua bất cứ điều luật gì mà không cần tới sự hợp tác của phe đối lập.
Ngay sau khi Hiến pháp được thông qua, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng Fidesz đã giảm mạnh. Ủy ban Venice, cơ quan tư vấn về luật pháp của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo việc thông qua Hiến pháp mới một cách nhanh chóng có thể gây bất ổn cho Hungary.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.