“Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ “bùng nổ”. Chỉ số VN-Index có thể chinh phục mốc 1.250 điểm ngay trong quý I-2024”. Đó là nhận định của Trưởng phòng Tư vấn (Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam) Trần Thị Lan Anh khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
- Bà đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán nước ta từ đầu năm 2024 đến nay?
- Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 1-2024 đóng cửa tại mốc 1.164,31 điểm, tăng 3% so với cuối năm 2023. Dù mức tăng về chỉ số chưa mạnh, song cần ghi nhận đây là tháng tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Việc thị trường tăng điểm ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024 hứa hẹn một quý thuận lợi, một năm với nhiều điểm sáng.
Phiên cuối cùng của tháng 1-2024, VN-Index vững vàng, thoát khỏi khu vực hỗ trợ 1.150 điểm, giúp các nhà đầu tư tự tin hơn trong giao dịch. Sang tháng 2-2024, thị trường diễn biến theo hướng đi lên. Trong phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.198,53 điểm, tăng hơn 30 điểm so với cuối tháng 1. Trong những ngày đầu tháng 2 vừa qua, thanh khoản trên thị trường ở mức trung bình.
- Thanh khoản ở mức trung bình, có phiên rất thấp, cho thấy dòng tiền chưa nhập cuộc mạnh, nguyên nhân vì sao, thưa bà?
- Nếu đánh giá theo từng phiên giao dịch, đà tăng điểm không có sự kết nối liên tiếp mà thay vào đó là tăng 1-2 phiên, rồi lại đi ngang và điều chỉnh hoặc đi ngang với biên độ hẹp.
Trong các phiên giao dịch, các ngành luôn có sự luân phiên bùng nổ ngắn nhằm tạo mặt bằng giá cao hơn, song chưa cho thấy xu hướng tăng mạnh. Tình trạng này được gọi là “bùng nổ tạo mặt bằng giá luân phiên trên các phân lớp”. Theo số liệu thống kê, tháng 1-2024 là tháng đạt khối lượng giao dịch lớn hơn trung bình của 20 tháng gần nhất. Giao dịch trung bình của 20 tháng gần nhất là 13,9 tỷ cổ phiếu/tháng, trong khi trung bình của tháng 1-2024 đạt 16 tỷ cổ phiếu.
Về dòng tiền, nhà đầu tư lớn mua vào và nắm giữ với mục tiêu trung - dài hạn. Việc mua “gom” dẫn đến tình trạng “ức chế tâm lý” đối với nhà đầu tư ngắn hạn muốn kiếm lợi nhuận nhanh. Các nhà đầu tư lớn không mong muốn chốt lời ngắn và chấp nhận nắm giữ với mục đích cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1-2024, một số cổ phiếu lớn đạt mức lợi nhuận tốt như MBB tăng 16,6%, SSI tăng 5%, ACB tăng 7%, CTG tăng 17%, BID và VCB cùng tăng 10%, CSV tăng 20%,…
- Bà dự đoán thị trường sẽ diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán?
- Từ ngày 1-1 đến nửa đầu tháng 2-2024 là giai đoạn thị trường có khoảng thời gian đan xen giữa Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Giai đoạn này, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân rất muốn chốt lời để nghỉ Tết. Tuy nhiên, nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư lại dựa vào tâm lý này để gom được khối lượng cổ phiếu lớn với mục tiêu trung - dài hạn. Các dấu hiệu của việc “bùng nổ luân phiên trên các phân lớp” và mặt bằng giá được nâng lên một mốc mới theo chiều của chỉ số VN-Index cùng khối lượng tăng dần đều thì việc thị trường tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán hứa hẹn rất cao. Dựa trên các số liệu đã có của tuần đầu tháng 2-2024, tôi cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ chinh phục mốc 1.250 điểm ngay trong quý I-2024.
- Vậy, theo bà về dài hạn cũng như trong năm 2024, thị trường sẽ diễn biến ra sao?
- Với mở màn tăng trưởng trong tháng 1-2024 và bước đầu là phân lớp cổ phiếu ngân hàng đi lên trong nhịp tăng mới này, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng tốt, bền vững và quá trình tăng trưởng này còn kéo dài sang năm 2025, năm 2026.
Sở dĩ có thể đưa ra dự báo như vậy vì thị trường chứng khoán theo xu hướng đi lên và được nuôi dưỡng bằng các kỳ vọng kinh tế. Kỳ vọng lớn nhất cho thị trường chứng khoán Việt Nam là việc nâng hạng thị trường vào năm 2025 khi đưa vào sử dụng hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam) và hệ thống bù trừ thanh toán sẽ ra đời vào quý II-2024. Nói cụ thể hơn, mục tiêu hiện hữu có thể đạt được là nâng hạng thị trường từ cận biên (thị trường vốn kém tiên tiến ở các nước đang phát triển) lên thị trường mới nổi (thanh khoản và ổn định cao hơn các thị trường cận biên). Bên cạnh đó, quá trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu từ quý II-2024 sẽ giảm áp lực lên việc điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, cùng các gói kích thích tăng trưởng kinh tế dự kiến được tung ra trong năm 2024 cũng sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
- Với dự báo diễn biến thị trường chứng khoán trong nước như vậy, bà có lưu ý gì với nhà đầu tư?
- Theo tôi, nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành có tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận, có lợi thế về ngành nghề, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam và trên thế giới. Đầu tư là một con đường dài nên mọi sự nóng vội hay đầu tư quá khả năng tài chính sẽ không mang lại kết quả tốt.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.