(HNMO) - Với nụ cười rạng rỡ trên môi, Younis vui vẻ hát hò và nhảy múa cùng các bạn tại một buổi biểu diễn của trường. Ít ai ngờ rằng cô bé 13 tuổi này lại lưu giữ trong lòng một vết thương sâu sắc.
Ít ai ngờ rằng cô bé 13 tuổi này lại lưu giữ trong lòng một vết thương sâu sắc. Khi chỉ mới 9 tuổi, cha mẹ Younis đã sắp đặt để em lấy một người đáng tuổi ông mình – thể theo truyền thống của Samburu – một bộ lạc cổ tại Kenya.
Younis và những cô gái khác có hoàn cảnh tương tự đã tìm cách phá vỡ những hủ tục của bộ lạc: tảo hôn, cắt âm vật và phong tục cho phép thiếu nữ ngủ với đàn ông trước hôn nhân.
Nhưng các em sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính gia đình mình và xã hội ruồng bỏ.
Younis nhớ lại những ký ức đau buồn như chỉ vừa xảy ra hôm qua: “Năm em lên 9, cha gả em cho một người đàn ông 78 tuổi. Em đã sống 1 tuần tại nhà ông ấy”.
“Người đàn ông đó thông báo rằng em sẽ trở thành vợ ba của ông ta. Nhưng em chỉ muốn tiếp tục tới trường. Em nói: Tôi không phải là vợ của ông. Vậy là ông ta đánh em”.
“Khi nghe tin về một người phụ nữ chuyên giúp đỡ những đứa trẻ bị ép kết hôn, em đã đi chân trần từ Baragoi tới Maralal để tìm gặp cô ấy".
Tại trường nội trú nơi Younis đang học còn có 8 cô bé khác – tất cả đều được Josephine Kulea và Quỹ trẻ em gái Samburu giải cứu.
Hơn 200 bé gái trên đất nước Kenya đều gọi Kulea là “Mẹ”. Khi bị gia đình ruồng bỏ, các em đã được Kulea cưu mang.
Kulea đang đấu tranh chống lại chính những truyền thống văn hóa mà mình đã quá quen thuộc ngay từ nhỏ. Trong quá trình học điều dưỡng tại một trường nội trú, cô luôn đặt câu hỏi về những gì xảy ra tại cộng đồng của mình.
“Chúng tôi là bộ lạc duy nhất vẫn còn lưu giữ tục cắt âm vật. Điều này thực sự không ổn chút nào, và tôi cần phải thay đổi nó. Đó chính là thời điểm tôi bắt đầu giải cứu các bé gái”.
Công việc của Kulea được tiến hành kể từ năm 2011. “Những người đầu tiên mà tôi giải cứu chính là 2 em họ của tôi. Đứa lớn mới 10 tuổi, và là người được chỉ định để làm đám cưới. Tôi đã giải cứu cô bé và đưa em đến trường.
Nhưng rồi chỉ 2 ngày sau, tôi nhận được điện thoại thông báo về một đám cưới trong làng. Tôi tự hỏi: Em họ tôi không ở đó, vậy thì cô dâu là ai?
Tất cả mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng và bắt buộc phải có một cô bé đi lấy chồng. Bởi vậy, họ để đứa nhỏ hơn - mới chỉ 7 tuổi – thay thế”.
Kulea đã giải cứu cô bé thứ hai, và bác cô bị bắt ngay sau đó bởi việc tổ chức tảo hôn và phong tục cắt âm vật là bất hợp pháp. Luật pháp đứng về phía cô, và cô cũng hợp tác với cảnh sát. Nhưng điều đó không có nghĩa là Kulea có thể tránh khỏi những rủi ro.
Cha mẹ và họ hàng của những bé gái mà Kulea giải cứu chỉ bị giam giữ trong khoảng thời gian ngắn. Thêm vào đó, rất nhiều người trong cộng đồng Samburu không hề chào đón sự thay đổi mà cô mang lại.
“Tôi sinh ra và lớn lên trong chính cộng đồng này. Họ thường nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị: Mày phải cư xử giống mọi người, mày không nên phản bội”.
Thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều cô bé cần sự giúp đỡ để thoát khỏi số phận nghiệt ngã mà chính những người thân sắp đặt cho các em. Một nhóm tình nguyện viên – các bà mẹ - đã được thành lập tại một ngôi làng tạm thời của người Samburu để trợ giúp Kulea.
Ngôi làng mới chỉ được xây dựng cách đây 1 tháng tại một khu vực xa xôi hẻo lánh. Không hề có nguồn cung cấp điện và nước. Trẻ em không thể tự mình đi bộ đến trường bởi trường học gần nhất cũng cách đó quá xa. Chỉ có khoảng 5% số người Samburu có thể đọc và viết.
Để có thể tiếp cận với mọi người, Kulea sử dụng một chương trình phát thanh tuyên truyền. Đây cũng chính là cách mà các bà mẹ trong làng biết về cô. “Tất cả những bé gái trong ngôi làng đều đang phải đối mặt với nguy cơ bị gả đi”.
Những cô bé sẽ bị hiến cho những người đàn ông trong cùng thị tộc, và mỗi lần như vậy các em sẽ nhận lại một chuỗi hạt đeo cổ. Càng có nhiều chuỗi hạt trên cổ, cô bé sẽ có giá càng cao.
Khi đến độ tuổi lấy chồng, gia đình sẽ gả các em cho một người ở thị tộc khác. Nếu cô bé có thai trước đó, cái thai sẽ bị phá bỏ. Và trong trường hợp đứa trẻ được sinh ra, nó sẽ không được cộng đồng thừa nhận.
Kulea không hề chối bỏ nguồn gốc Samburu của mình. Cô mặc trang phục của bộ tộc, hát và nhảy theo những bản nhạc truyền thống trong lễ tốt nghiệp. Cô chỉ tin tưởng rằng những phụ nữ và trẻ em gái giống như Younis xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ xã hội.
“Tôi mong muốn rằng khi trẻ em được đến trường và tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến, cộng đồng chúng tôi sẽ có một tương lai tươi sáng hơn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.