Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác Việt Nam và Arập Xêút: Triển vọng vượt lên trở ngại

Thanh Hải| 31/05/2010 06:52

(HNM) - Doanh nghiệp Việt Nam và Arập Xêút đã có bước đi đầu tiên để nâng tầm hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chuyến thăm và làm việc của Hội đồng Các phòng  thương mại Arập Xêút, gồm 20 doanh nghiệp hàng đầu quốc gia Trung Đông này trong các lĩnh vực như xây dựng, vận tải, điện gia dụng, dịch vụ vận tải, bất động sản, dịch vụ an ninh… vừa kết thúc (từ ngày 26 đến 29-5). Với lễ ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Arập Xêút (ngày 27-5, tại Hà Nội), hai bên đã tìm ra hướng đi để thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương.

Tới Việt Nam, tiếp xúc với gần 100 doanh nghiệp trong nước, ông Talal A.Mirza bày tỏ những ấn tượng của mình về bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Arập Xêút, tổ chức ở thủ đô Riyadh (hồi tháng 4 vừa qua). Ông nhấn mạnh, chính điều ấy đã thôi thúc doanh nghiệp nước này sang Việt Nam tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Bản thân Quốc vương Abdullah Bin-Aziz Al Saud cũng chỉ thị cho giới doanh nghiệp Arập Xêút dành ưu tiên hàng đầu cho hợp tác với Việt Nam.

Theo ông Talal A.Mirza, trao đổi thương mại giữa hai nước đã có bước phát triển tích cực trong những năm gần đây. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2009 giữa Việt Nam và Arập Xêút đạt 455 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 103 triệu USD và nhập khẩu 352 triệu USD. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang  Arập Xêút  gồm: hải sản, vải các loại, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, gọa, hạt điều, hạt tiêu, than đá, chè… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Arập Xêút: chất dẻo nguyên liệu, khí ga, sắt thép, ô tô các loại, hóa chất, phân bón… Tuy vậy, kết quả vẫn chưa xứng với tiềm năng to lớn của hai nước. Tại cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cuộc làm việc với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, phía Arập Xêút đã đi thẳng vào vấn đề, nêu ra những trở ngại còn tồn tại để thúc đẩy quan hệ hợp tác. Cụ thể như hiện nay, giữa Việt Nam và Arập Xêút chưa có đường hàng không trực tiếp, khiến trao đổi thương mại và hợp tác lao động gặp nhiều hạn chế.

Hiện nay, mỗi tháng Arập Xêút tiếp nhận 70-80 nghìn lao động người nước ngoài, trong khi số lượng lao động Việt Nam tại nước này hiện mới khoảng 15-20 nghìn người. Vấn đề thị thực cũng đang là một trở ngại đối với giới doanh nhân, cũng như khách du lịch Arập Xêút muốn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi ngoại tệ từ đồng Riyal sang đồng Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, lao động Việt Nam tại Arập Xêút không thạo tiếng Anh khiến hiệu quả hợp tác trong xuất khẩu lao động giữa hai nước chưa cao. Việc tham gia hội chợ của doanh nghiệp hai bên tại hai nước chưa được chú trọng triển khai, khiến thông tin hàng hóa hai bên dường như vẫn độc lập…

Tuy chỉ có 4 ngày thăm và làm việc tại Việt Nam nhưng Hội đồng Các phòng thương mại Arập Xêút đã có một lịch trình dày đặc với nhiều thành công, tạo ra sức bật mới, làm cụ thể hóa kết quả hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Quốc vương Abdullah Bin-Aziz Al Saud (tháng tư vừa qua trong chuyến thăm cấp nhà nước Arập Xêút của Chủ tịch nước).

Trước khi rời Việt Nam, thay mặt các doanh nghiệp Arập Xêút, ông Talal A.Mirza đã để lại thông điệp rằng, các doanh nghiệp quốc gia Trung Đông này sẽ trở lại Việt Nam, cùng với các ban, ngành của Việt Nam bàn bạc sâu hơn về vấn đề nông nghiệp để tăng cường sự đầu tư, hợp tác của Arập Xêút vào lĩnh vực trồng trọt và sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Trong tương lai gần, Arập Xêút sẽ hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu không những gạo mà còn lúa mỳ và các sản phẩm nông nghiệp khác chất lượng cao sang Arập Xêút.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác Việt Nam và Arập Xêút: Triển vọng vượt lên trở ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.