Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác trong bất đồng

Vân Khanh| 12/05/2011 06:36

(HNM) - Những phát biểu không e dè của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Mỹ và Trung Quốc chia sẻ nhiều lợi ích khi hợp tác hơn là lúc xung đột đã mang lại một khởi đầu thẳng thắn cho cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (SED) lần ba giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa kết thúc ngày 10-5.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung.

(HNM) - Những phát biểu không e dè của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Mỹ và Trung Quốc chia sẻ nhiều lợi ích khi hợp tác hơn là lúc xung đột đã mang lại một khởi đầu thẳng thắn cho cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (SED) lần ba giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa kết thúc ngày 10-5.

Dường như Washington đã thấy việc xoa dịu mối quan hệ thương mại thường xuyên căng thẳng giữa hai bên sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty Mỹ tiếp cận với những ngành kinh tế then chốt tại thị trường tiềm năng của Trung Quốc. Tuyên bố sẽ dần mở cửa "mỏ vàng" mà không ít doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn rằng đang được bao bọc bởi những chính sách ưu tiên nội địa của Trung Quốc được nhìn nhận là một bước ngoặt tư duy. Sự nhượng bộ từ Bắc Kinh, ngay cả khi các doanh nhân Trung Quốc kêu ca không ngớt về việc họ chưa có một sân chơi bình đẳng tại nước Mỹ thể hiện rõ thiện chí rút ngắn những cách biệt với đối tác lớn bên kia bờ Thái Bình Dương của người Trung Hoa. Quyết định tạo nên bước tiến cho cuộc đối thoại này cũng khiến dư luận đặt niềm tin về sự cộng hưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh thời gian tới. Hợp tác Mỹ - Trung luôn được nhìn nhận là động lực quan trọng cho đà hồi phục của kinh tế toàn cầu vào thời điểm hậu khủng hoảng đầy khó khăn, khi Trung Đông đang rối loạn trong biến cố, Nhật Bản ngổn ngang với công cuộc tái thiết sau thiên tai và châu Âu vật vã đối phó với cơn bão nợ.

Mặc dù vậy, cố gắng của Washington và Bắc Kinh nhằm thúc đẩy mối quan hệ được cho là khó tách rời trong tương lai vẫn chưa khỏa lấp được những bất đồng dai dẳng bắt nguồn từ quá khứ. Thêm một lần nữa, vấn đề đưa đồng nhân dân tệ (NDT) về giá trị thực lại được Mỹ "làm mới" trong cuộc gặp gỡ tại Washington. Dù tỷ giá đồng NDT ngày 9-5 được ấn định ở mức 6,4988 NDT/1 USD, cao nhất kể từ tháng 6-2010 nhưng phía Mỹ vẫn cho rằng tốc độ nâng giá 5% đồng nội tệ trong gần 1 năm qua của Trung Quốc là quá chậm chạp. Sự trì hoãn mà Washington tin là để tạo lợi thế cho mũi nhọn xuất khẩu của kinh tế Trung Quốc cũng được xác định là nguyên nhân của tình trạng thâm hụt cán cân thương mại luôn nghiêng về xứ Cờ hoa trong nhiều năm qua. Mức thặng dư 114 tỷ USD trong tháng 4 mà các doanh nghiệp Trung Quốc thu được khi "làm ăn" trên đất Mỹ đã làm nóng thêm bầu không khí rất hiếm khi lắng dịu mỗi lúc quan chức hai bên gặp nhau bàn về thương mại. Một tuyên bố chung chung đại thể là Mỹ - Trung nhất trí về phương hướng cải cách tỷ giá đồng NDT nhưng chưa thống nhất được tốc độ xử lý cho thấy câu chuyện dài kỳ này khó có một kết thúc làm hài lòng cả đôi bên trong nay mai.

Vậy là, nỗ lực tìm kiếm đồng thuận trong những khác biệt của Mỹ - Trung đã phản ánh tính chất phức tạp của mối quan hệ luôn nóng - lạnh, bị chi phối bởi sự đan xen lợi ích không phải lúc nào cũng như nhau giữa hai nước. Cho dù bà H.Clinton có nhắc đến sự thịnh vượng của Trung Quốc như là điều tốt đẹp cho nước Mỹ thì cũng phải thấy rằng những nghi ngại từ chính giới nước này trước nguy cơ Trung Hoa hùng mạnh đe dọa vị thế siêu cường của chú Sam đã từng tồn tại. Như thế có nghĩa là, sẽ cần nhiều thời gian hơn để Mỹ và Trung Quốc có thể xóa bỏ tư duy cộng tác nhưng vẫn dè chừng lẫn nhau, đặc biệt khi vẫn còn đó những tranh cãi về tỷ giá, bảo hộ, sở hữu trí tuệ... hay những vấn đề an ninh mang quy mô toàn cầu. Thế nhưng, ở một khuôn khổ nhất định, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung đã hoàn thành được sứ mệnh, đó là tạo ra một diễn đàn song phương để hai bên tìm những hướng đi tiến bộ ngay trong lúc vẫn còn nhiều khúc mắc. Nếu chưa thể kỳ vọng vào việc đạt được những cam kết cụ thể và toàn diện ngay thì ít nhất, với kênh thông tin này, cả hai nước đều đã có thể hiểu được những khát vọng của đối phương và bày tỏ góc nhìn của mình khi đều cần đến sự ổn định từ nội tại và trên bình diện quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác trong bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.