(HNM) - Sân khấu Việt Nam trong năm 2022 chứng kiến những cái “bắt tay” hợp tác rộn ràng và hứng khởi giữa các đơn vị nghệ thuật trong nước và các đơn vị, tổ chức, nghệ sĩ quốc tế, tạo nên nhiều tác phẩm tươi mới, góp phần nâng cánh cho nghệ thuật Việt Nam vươn xa.
Màu sắc mới trên sân khấu
“Anh cả đỏ” của sân khấu kịch nước nhà - Nhà hát Kịch Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật hợp tác quốc tế táo bạo và mới mẻ. Ngay từ tháng 6-2022, nhà hát đã hợp tác với Tập đoàn Pacific Ocean Partners và Trường Đại học Australian Institute of Music (Australia) thực hiện dự án nhạc kịch cho giới trẻ “Alice in Wonderland” (Alice ở xứ sở diệu kỳ). Tham gia sản xuất và sáng tạo vở nhạc kịch là đội ngũ nghệ sĩ mang dấu ấn quốc tế như: Đạo diễn Lê Diệu My, cố vấn nghệ thuật Nicholas Gentile, biên đạo Samantha Cruz… Sau 3 tháng luyện tập, vở nhạc kịch đã công diễn hoành tráng, rực rỡ và ngập tràn âm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. “Em rất bất ngờ khi được trải nghiệm một vở diễn theo phong cách broadway (Mỹ) hiện đại, pha trộn màu sắc Australia và Việt Nam trực tiếp như thế”, em Nguyễn Gia Hân, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ, Hà Nội chia sẻ.
Trong các tháng 10 và 11-2022, Nhà hát Kịch Việt Nam “bắt tay” với Hiệp hội Các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) dàn dựng vở kịch đặc biệt “Bến không chồng” và công diễn thành công ở “xứ sở Kim chi”. Vở kịch do tác giả Vũ Thị Thu Phong viết kịch bản, phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng, với hai đạo diễn là Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lâm Tùng (Việt Nam) và Kim Min-jeong (Hàn Quốc) cùng các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Theo Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, tác phẩm khi công diễn ở nước bạn đã tạo nên tiếng vang lớn, xuất hiện trên nhiều tờ báo, kênh truyền hình Hàn Quốc. Trong năm 2023, nhà hát tiếp tục hợp tác với Đại sứ quán Algeria dàn dựng vở kịch “Người đi dép cao su” của tác giả Kateb Yacine.
Sau thành công của vở kịch “Cậu Vanya”, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục cùng đạo diễn tài năng Tsuyoshi Sugiyama người Nhật Bản dàn dựng vở kịch “Hedda Gabler” kinh điển của nhà viết kịch Na Uy Henrik Ibsen, với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Tác phẩm ra đời hơn 130 năm trước được đạo diễn và các nghệ sĩ đưa lên sân khấu đầy chất thời sự, với hiệu ứng sân khấu tròn, nghiêng vô cùng ấn tượng. Tác phẩm được dàn dựng theo quy chuẩn, vóc dáng quốc tế này đã xuất sắc giành Huy chương bạc tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - Hà Nội năm 2022.
Sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) cũng mạnh dạn mời đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng một trong những vở bi kịch vĩ đại nhất của Shakespeare - “Vua Lear”, dự kiến ra mắt vào đầu năm 2023.
Tiếp tục tiến bước
Việc hợp tác với các đơn vị, tổ chức, nghệ sĩ nước ngoài đã được các nhà hát nghệ thuật thử nghiệm trong một thời gian dài và đạt được những thành công nhất định. Như trước năm 2022, Nhà hát Tuổi trẻ có vở “Tất cả đều là con tôi” của Arthur Miller do đạo diễn người Mỹ Neil Simon Fleckman dàn dựng; vở “Vòng phấn Kavkaz” của Bertolt Brecht do đạo diễn người Đức Dominik Günther dàn dựng. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng kết nối với Nhà hát Acsan Theater Company của Hàn Quốc dàn dựng thành công vở kịch “Cô gái và chiếc xe máy”. Nhà hát Tuồng Việt Nam từng mời đạo diễn Singapore Chua Soo Pong thực hiện vở “Dưới bóng đa huyền thoại” nhằm đưa nghệ thuật tuồng đi xa hơn…
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, không chỉ hợp tác dàn dựng tác phẩm, đơn vị có chiến lược lâu dài trong việc hợp tác quốc tế khi mời đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama làm cố vấn nghệ thuật, nhằm mang đến một diện mạo và định hướng nghệ thuật mới mẻ...
Nói về nhiều hướng hợp tác quốc tế khác nhau trên sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc cho rằng, tuy chuyên về sân khấu kịch nói nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn thử sức “bắt tay” thực hiện dự án nhạc kịch, nhằm đưa loại hình nghệ thuật này phổ cập với khán giả Việt, mở rộng khả năng hoạt động của nhà hát cũng như các nghệ sĩ. Nhà hát muốn hướng đến hợp tác với những đơn vị hoạt động sân khấu tiên tiến quốc tế, như đối tác Hàn Quốc với dự án “Bến không chồng”, để học hỏi và triển khai thực hiện tác phẩm theo đúng quy chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng tác phẩm, mở rộng cơ hội đưa nghệ thuật sân khấu Việt Nam ra thế giới.
Còn nghệ sĩ Hồ Liên (Nhà hát Kịch Việt Nam) tham gia dự án “Bến không chồng” cho biết, với mỗi dự án hợp tác quốc tế, các nghệ sĩ Việt Nam lại được tiếp cận, làm quen và đào tạo với phong cách, phương pháp làm việc mới mẻ, hiệu quả để học hỏi và có những sáng tạo cho riêng mình trên hành trình nghệ thuật.
Những cái “bắt tay” trên sân khấu Việt với đối tác quốc tế dần dày hơn và đạt hiệu quả rõ rệt. Từ đây, nghệ thuật sân khấu nước nhà có thêm kinh nghiệm, uy tín để tiếp tục sáng tạo cùng bạn bè quốc tế, tạo những bước tiến mới trong năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.