(HNMO) - Sáng 30-5, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ hợp long cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2.
Dự lễ hợp long có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Dương Dức Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội…
Báo cáo tại lễ hợp long, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được khởi công ngày 9-1-2021 với quy mô thiết kế về kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1, với tổng chiều dài 3.473m, mặt cắt ngang cầu 19,25m. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.538 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành đổ bê tông khối hợp long cuối cùng cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng, nối liền hai đầu cầu giai đoạn 2 phía hai quận Hai Bà Trưng và Long Biên, Ban quản lý dự án và các nhà thầu sẽ tập trung thực hiện các công việc còn lại để thông xe, đưa công trình vào khai thác, sử dụng trước ngày 2-9-2023 và hoàn thiện tổ chức giao thông đồng bộ toàn dự án (kể cả giai đoạn 1) xong trước ngày 10-10-2023 để chính thức lưu thông mỗi bên 4 làn xe, trong đó 3 làn xe ô tô, 1 làn xe hỗn hợp.
Đại diện các nhà thầu tham gia dự án, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, ngay từ những ngày đầu khởi công, tập thể cán bộ, công nhân liên danh Vinaconex - Trung Chính và các nhà thầu đã luôn nỗ lực để đáp ứng yêu cầu được giao, xác định việc hoàn thành dự án là danh dự, uy tín và trách nhiệm chính trị của doanh nghiệp trước chính quyền, nhân dân Thủ đô.
Trong quá trình triển khai, dự án gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, điều kiện địa chất và thuỷ văn sông Hồng phức tạp. Ngoài ra, việc vừa bảo đảm thi công đúng tiến độ, vừa bảo đảm an toàn khai thác đường bộ cầu Vĩnh Tuy hiện tại và đường thuỷ là một trong các áp lực lớn đối với các nhà thầu.
Trước những khó khăn trên, liên danh Vinaconex - Trung Chính cùng các nhà thầu đã áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, cùng hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để bảo đảm yêu cầu thi công “3 ca, 4 kíp”.
Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần đưa dự án được hợp long đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ và an toàn lao động tuyệt đối. Ngoài ra, với việc dự án được thực hiện bởi 100% kỹ sư và công nhân người Việt Nam, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ thi công mới để giảm thời gian thi công khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 đã chứng minh năng lực, chuyên môn vượt bậc của các kỹ sư, công nhân tham gia dự án, đem lại những kinh nghiệm mang tính đột phá cho các các nhà thầu trong việc tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần bảo đảm hiệu quả thực hiện dự án đầu tư công.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, việc hợp long cầu chính vượt dòng chủ sông Hồng đánh dấu một mốc sự kiện quan trọng của công trình, đó là cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 sẽ được nối liền giữa hai phần dầm cầu đúc hẫng bờ phía quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên, hoàn thành công tác thi công dầm chính vượt sông Hồng và hoàn chỉnh công tác thi công cầu toàn tuyến từ bờ hữu sông Hồng sang bờ tả sông Hồng.
“Sau khi hoàn thành công tác hợp long cầu chính, tôi yêu cầu Ban quản lý dự án tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực, tài chính khẩn trương tổ chức thi công các hạng mục công việc còn lại để thông xe cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 trước ngày 2-9-2023. Đồng thời, sau khi cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được đưa vào sử dụng, các đơn vị phải tổ chức lại giao thông, lắp dải phân cách, sơn kẻ tổ chức giao thông cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 để đồng bộ tổ chức giao thông toàn dự án, xong trước ngày 10-10-2023”, đồng chí Dương Đức Tuấn yêu cầu.
Nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng các sở, ban, ngành của thành phố, UBND các quận Hai Bà Trưng, Long Biên, chủ đầu tư và các đơn vị thi công, các cán bộ, kỹ sư, người lao động… khắc phục vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án, song đồng chí Dương Đức Tuấn cũng lưu ý: Khi công trình cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được đưa vào sử dụng, áp lực giao thông sẽ đổ dồn về nút Ngã Tư Sở.
Do vậy, để hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch, khắc phục tình trạng ùn tắc tại vị trí nút giao Ngã Tư Sở, tạo sự thông suốt, thuận lợi cho người dân và phương tiện khi lưu thông qua nút, UBND thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án.
Thứ nhất là nghiên cứu tổng thể nút giao Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi để có giải pháp thiết kế cầu vượt liên thông các hướng cho phù hợp. Thứ hai là mở rộng đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy theo quy hoạch với chiều rộng từ 53,5-60m.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.