Đề nghị quý báo cho biết trong trường hợp nào hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là hợp đồng kinh tế. Khi có một bên tham gia hợp đồng vi phạm nghĩa vụ thì có thể bị áp dụng mức phạt nào ? Văn Thụy (quận Hoàng Mai)
Đề nghị quý báo cho biết trong trường hợp nào hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là hợp đồng kinh tế. Khi có một bên tham gia hợp đồng vi phạm nghĩa vụ thì có thể bị áp dụng mức phạt nào ?
Văn Thụy (quận Hoàng Mai)
Trả lời: Theo Điều I Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, hợp đồng kinh tế (HĐKT) là sự thỏa thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các thỏa thuận khác có mục đích kinh doanh, có quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.
HĐKT phải được ký kết giữa pháp nhân với pháp nhân hoặc pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Về chủ thể ký kết HĐKT, Điều I Nghị định số 17-HĐKT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh HĐKT hướng dẫn pháp nhân là một tổ chức có đủ các điều kiện sau: Được thành lập một cách hợp pháp; có tài sản riêng và chịu trách nhiệm một cách độc lập bằng các tài sản đó; có quyền quyết định một cách độc lập về các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; có quyền tự mình tham gia các quan hệ pháp luật.
Cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật là người đã được cấp giấy phép kinh doanh và đã được đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định về đăng ký kinh doanh.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, thì hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là HĐKT nếu được ký giữa pháp nhân với pháp nhân hoặc giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và nhằm mục đích kinh doanh.
Về phạt vi phạm hợp đồng, Điều 377 Bộ luật Dân sự quy định: Phạt vi phạm là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được áp dụng theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên có quyền bị vi phạm. Thỏa thuận về phạt vi phạm phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.
Theo điểm a Khoản 2 Điều 29 Pháp lệnh HĐKT, mức tiền phạt vi phạm hợp đồng từ 2% đến 12% giá trị phần HĐKT bị vi phạm.
Tuy nhiên, do mua bán hàng hóa là một trong 14 hành vi thương mại được điều chỉnh bởi Luật Thương mại năm 1997, nên về nguyên tắc hợp đồng mua bán hàng hóa trước hết phải chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại. Chỉ đối với những vấn đề mà Luật Thương mại không có quy định điều chỉnh, thì mới áp dụng Bộ luật Dân sự hoặc Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế để giải quyết.
Điều 226 và 228 Luật Thương mại quy định phạt vi phạm là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt nhất định do vi phạm hợp đồng. Mức phạt đối với một vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.