Các thành viên Ban Giám khảo làm việc công tâm, trao đổi sâu sắc về các yếu tố sáng tạo, tính phù hợp chủ đề, thông điệp truyền tải và ảnh hưởng xã hội của tác phẩm dự thi.
Chiều ngày 8-4-2025, Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Phật giáo toàn quốc lần thứ Nhất - năm 2024 đã họp phiên toàn thể tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, nhằm đánh giá, thảo luận và lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu lọt vào vòng trao giải.
Cuộc họp được thực hiện, đảm bảo thống nhất tiêu chí chấm chọn, thảo luận sâu về chất lượng chuyên môn, giá trị tư tưởng, đạo đức của các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Từ đó, chọn ra những tác phẩm xuất sắc, đủ điều kiện trao giải ở các hạng mục theo quy chế.
Tham dự họp chung khảo, về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có: Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (HĐTS GHPGVN), Trưởng Ban Thông tin truyền thông (TTTT) TƯ GHPGVN, Trưởng Ban tổ chức giải. Phó Trưởng Ban Tổ chức giải, gồm có: Thượng tọa Thích Thanh Huân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban TTTT TƯ GHPGVN; Thượng tọa Thích Đạo Thịnh, Phó Trưởng ban Ban TTTT TƯ GHPGVN.
Về phía Ban giám khảo, tại vòng Chung khảo có sự hiện diện của Nhà báo Lê Nghiêm, Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại - Bộ TTTT, Trưởng Ban Giám khảo. Thành viên Ban Giám khảo gồm có: Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Hànộimới; Nhà báo Trần Bá Dung, Nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet; Nhà báo Trương Thành Trung, Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết; Nhà báo Lê Hải Anh, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam; Nhà báo - Thượng tọa Thích Tâm Hải, Phó Trưởng ban Ban TTTT TƯ GHPGVN, Tổng Biên tập Báo Giác ngộ; Nhà báo - Đại đức Thích An Đạt, Phó TGĐ Đài Truyền hình An Viên; Nhà báo - Cư sĩ Giới Minh, Trưởng ban Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học; Nhà báo Nguyễn Xuân Hồng, Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn Báo Điện tử Chính phủ... cùng sự có mặt của các nhà văn - nhà báo, đạo diễn, nhiếp ảnh gia đã tham gia chấm ở vòng sơ khảo.
Đại biểu, khách mời tham dự vòng chung khảo: Ông Hà Anh Tuấn, đại diện Gosinga Việt Nam nhà tài trợ chuyến hành hương Ấn Độ; ông Đỗ Việt Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Tiếp vận Toàn cầu nhà tài trợ Giải thưởng.
Các thành viên Ban Giám khảo làm việc công tâm, trao đổi sâu sắc về các yếu tố sáng tạo, tính phù hợp chủ đề, thông điệp truyền tải và ảnh hưởng xã hội của tác phẩm dự thi.
Một số tác phẩm nổi bật được biểu dương vì thể hiện tinh thần bác ái, viên dung, gắn đạo Phật với đời sống đương đại, góp phần đưa ánh sáng từ bi của Phật pháp lan tỏa trong xã hội.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Trưởng Ban Tổ chức Giải, phát biểu: “Đạo Phật, với tư tưởng từ bi và trí tuệ, từ lâu đã được toàn nhân loại tôn kính và ủng hộ. Khi truyền bá vào Việt Nam, tinh thần từ bi ấy hòa quyện với truyền thống nhân ái của dân tộc, tạo nên một nền tảng văn hóa - tâm linh sâu sắc, giúp đạo Phật ngày càng phát triển, bén rễ vững chắc trong lòng dân tộc.
Trong suốt chiều dài lịch sử, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, trải qua bao thăng trầm, biến cố. Tinh thần Phật giáo ngày càng thấm sâu và lan tỏa trong đời sống xã hội. Để tiếp tục xiển dương chính pháp, tôn vinh những giá trị cao đẹp của đạo Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định phát động Giải Báo chí Toàn quốc về "Tuyên truyền lối sống tốt Đời - đẹp Đạo, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, lần thứ Nhất - năm 2024".
Chúng tôi kỳ vọng, Giải sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên trong cả nước. Qua đó, những tác phẩm chất lượng, mang đậm tinh thần đạo vị và tính thời sự, sự lan tỏa và ảnh hưởng trong xã hội sẽ được tuyển chọn, vinh danh, góp phần lan tỏa ánh sáng Phật pháp vào đời sống hiện đại”.
Nhà báo - Cư sĩ Giới Minh, Thư ký Ban Tổ chức, phát biểu: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong số ít tổ chức tôn giáo hiện có hệ thống truyền thông đa dạng và phong phú nhất, từ truyền hình, báo điện tử đến tạp chí in. Với mong muốn ghi nhận, khuyến khích và tôn vinh những đóng góp nổi bật của đội ngũ tác giả, phóng viên đã cống hiến cho sự nghiệp truyền thông Phật giáo, Hòa thượng Thích Gia Quang cùng lãnh đạo Giáo hội đã thống nhất quyết định tổ chức Giải Báo chí Phật giáo toàn quốc lần thứ Nhất - năm 2024.
Giải được tổ chức với các mục tiêu: Khuyến khích sáng tạo; đa dạng hóa quan điểm tiếp cận; tăng cường tri thức và sự hiểu biết về đạo Phật trong xã hội; tôn vinh những tác phẩm xuất sắc và lan tỏa những giá trị cốt lõi của Phật giáo”.
Cũng trong cuộc họp, một số ý kiến của các Nhà báo nêu đề xuất: Tên gọi hiện tại của giải - “Giải báo chí Toàn quốc về "Tuyên truyền lối sống tốt Đời - đẹp Đạo, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, lần thứ Nhất - năm 2024”, dù đầy đủ và mang ý nghĩa, nhưng khá dài và có thể gây nhầm lẫn về nội dung trọng tâm đối với một số tác giả, độc giả.
Do vậy, đề xuất, từ mùa giải năm sau, có thể cân nhắc tên chính thức của Giải Báo chí Phật giáo năm 2025, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ nhận diện.
Ngoài ra, cũng nên xem xét gộp một số nhóm thể loại tác phẩm có đặc điểm tương đồng. Ví dụ, tác phẩm thuộc báo in và báo điện tử có thể được xếp chung vào một hạng mục để thuận tiện trong việc đánh giá và xét giải.
Tiếp đến, Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại - Bộ TTTT, Trưởng Ban Giám khảo phổ biến về Quy chế Ban Giám khảo, Quy chế chấm giải: Đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình đánh giá các tác phẩm dự thi. Tôn vinh các tác phẩm xuất sắc thể hiện rõ giá trị cốt lõi của Phật pháp và sự đóng góp cho xã hội. Cơ bản, đại diện Ban Tổ chức và thành viên Ban Giám khảo đánh giá cao và thống nhất nội dung Quy chế của Giải trong năm 2024.
Nhà báo - Đại đức Thích An Đạt, Phó TGĐ Đài Truyền hình An Viên, đề xuất thêm hạng mục giải thưởng dành cho “Mạng xã hội”, bởi mạng xã hội có tính lan tỏa rất mạnh. Mạng xã hội rất nhiều KOLS, cá nhân nổi tiếng có nhiều tác phẩm, đặc biệt là các clip ý nghĩa, lay động lòng người. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Gia Quang có ý kiến trao đổi: Các clip trên mạng xã hội có phải tác phẩm báo chí chính thống? Đây là yếu tố cần cân nhắc khi đưa vào hạng mục giải thưởng.
Nhà báo Trần Bá Dung, Nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam: Tôi rất vui mừng được tham dự buổi họp hôm nay. Cơ bản, tôi đánh giá cao những nội dung Nhà báo Lê Nghiêm, Cư sĩ Giới minh trao đổi. Đặc biệt, tôi tâm đắc khi Hòa thượng Thích Gia Quang có ý kiến, nhấn mạnh “Tôn trọng tính khác biệt, tôn trọng tính đa chiều” của các tác phẩm tham dự giải.
Lưu ý đối với các bài phân tích chuyên sâu, có tính chất nghiên cứu, có chăng chúng ta “chấm hộ” vì có thể sẽ có tác phẩm được thực hiện bởi AI. Tôi đề xuất, nhấn mạnh và đề cao “tính nguyên bản” của thông tin: Tác giả trực tiếp khai thác, trực tiếp chụp ảnh, trực tiếp quay clip. Tác phẩm phải thể hiện được dấu ấn lao động của tác giả, phóng viên, nhà báo. Nhà báo Trần Bá Dung cũng đã đề xuất tên giải và góp ý cho Giải Báo chí Phật giáo năm 2025.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Hànộimới đánh giá cao việc tổ chức giải: Đây là Giải báo chí cần thiết, có đóng góp quan trọng trong việc truyền tải các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần lan tỏa truyền thông Phật giáo. Đề xuất, cần có Quyết định thành lập Hội đồng Ban giám khảo. Tôi đồng ý nội dung Quy chế chấm giải, tuy nhiên Hội đồng Ban giám khảo cần họp thống nhất từng tiêu chí cụ thể, thảo luận kỹ trong chấm và lựa chọn tác phẩm đạt giải. Ý kiến của đại diện Đài Truyền hình An Viên rất hay, tuy nhiên hết sức cẩn trọng bởi thông tin trên mạng xã hội hiện chưa chính thống, có thể xét thêm giải phụ đối với các tác phẩm, clip trên mạng xã hội. Đề xuất tên giải: Giải báo chí toàn quốc Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Về thể lệ giải, với quy mô Ban tổ chức là Giáo hội Phật giáo là phù hợp, tuy nhiên cần rõ ràng và cụ thể hơn. Tác phẩm phát thanh và truyền hình có thể gộp thành một nhóm. Nên để riêng tác phẩm báo điện tử, tác phẩm báo in, vì hiện là thời đại phát triển mạnh của báo điện tử.
Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet: Cân nhắc việc gộp nhóm hay để riêng giữa báo in và báo điện tử, bởi không gian báo in hiện thu hẹp nhiều theo quy hoạch báo chí, nên các tác phẩm báo in “ít đất’ hơn báo điện tử. Phát thanh thời đại mới, được mở rộng với thể loại Podcast “phát thanh trên môi trường Internet”, đây là yếu tố cần lưu ý gộp nhóm tác phẩm phát thanh -truyền hình. Tôi đồng tình ý kiến của Thầy An Đạt, các tác phẩm trên mạng xã hội, đôi khi chỉ là một bức ảnh, một clip, một nội dung cảm tưởng… cũng có ý nghĩa, giá trị nhân văn, sức lan tỏa lớn; nội dung chưa chính thống, nhưng tác giả thì hoàn toàn xác định, thẩm định được, nên có cơ chế dành riêng cho nhóm nội dung trên mạng xã hội, góp phần phong phú thêm hệ thống giải thưởng.
Thượng tọa Thích Đạo Thịnh, Phó Trưởng ban Ban TTTT TƯ GHPGVN, phát biểu: Đảm bảo tính xác thực cao, thể hiện rõ “người thật, việc thật”, trung thực - khách quan, đề xuất sử dụng “Phần mềm đạo văn”, quét nội dung, phát hiện những nội dung sao chép, trùng lặp, không thể hiện tính sáng tạo cá nhân. Đề xuất Giải báo chí Phật giáo Việt Nam 2025, chủ đề Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Thông tin chấm giải:
Công tác chấm giải được tiến hành nghiêm túc, khách quan từ vòng sơ khảo (6-1 đến 31-3-2025). Vòng Chung khảo dựa trên kết quả tuyển chọn từ Sơ khảo, Hội đồng tiếp tục thẩm định, đánh giá và lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức ra quyết định trao giải.
Thời gian chấm Chung khảo kéo dài từ 9-4 đến 30-4-2025. Cuộc họp Chung khảo là bước chuẩn bị quan trọng hướng đến Lễ trao giải chính thức, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 6 năm 2025 tại Hà Nội.
Giải Báo chí Phật giáo toàn quốc lần thứ Nhất, năm 2024 là dấu mốc mở đầu cho hành trình tôn vinh những người làm báo có tâm - có tài, góp phần lan tỏa tinh thần “Tốt đời - Đẹp đạo”, khẳng định vai trò đồng hành của Phật giáo Việt Nam cùng dân tộc.
Theo kế hoạch, Lễ trao giải và Lễ phát động Giải báo chí Phật giáo năm 2025 cũng sẽ được tổ chức đồng thời vào thời gian trao giải năm 2024.
Giải báo chí năm 2024 và những con số “chung khảo”
Số lượng tác phẩm hợp lệ mà BTC nhận: 534 tác phẩm các thể loại.
Trong đó: + Báo in và báo điện tử: 288 tác phẩm
+ Phát thanh và Truyền hình: 228 tác phẩm
+ Báo ảnh: 18 tác phẩm
Số lượng tác phẩm gửi nhiều nhất (tính theo đơn vị cơ quan gửi)
+ Báo Giác Ngộ: 22 tác phẩm (báo in: 20 tác phẩm, báo điện tử: 2 tác phẩm)
+ Truyền hình An Viên: 19 tác phẩm
Tác giả gửi nhiều tác phẩm nhất: Chu Minh Khôi của Báo Giác Ngộ: 12 tác phẩm (cá nhân)
Nhóm tác giả nhiều nhất: Nhóm tác giả của Đài PT&TH Nghệ An: 10 tác giả của Serie chương trình “Linh thiêng cõi Phật”.
Tác giả người nước ngoài: Không
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.