(HNM) - Hồng vành khuyên là giống hồng ngâm bản địa của huyện biên giới Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Toàn huyện có gần 800ha trồng hồng vành khuyên, mỗi năm một vụ, thu hoạch khoảng 2.400 tấn.
Cây hồng vành khuyên được trồng bằng rễ cây mẹ, sau 3 năm sẽ cho thu hoạch quả, đến năm thứ 5 sẽ cho sản lượng cao nhất.
Cây hồng sống trên đồi núi dốc, mùa đông rụng lá, mùa xuân đâm chồi nảy lộc, rồi kết quả. Từ tháng Bảy đến đầu tháng Chín âm lịch hằng năm, khi những quả hồng bắt đầu ngả vàng cũng là lúc người dân huyện Văn Lãng bước vào mùa thu hoạch.
Người dân bắt đầu thu hái từ lúc 5h sáng để quả đạt độ tươi, ngọt. Người thu hái sử dụng sào tre có buộc túi vải để tiện hái quả trên cao, rồi sắp vào các giỏ tre, gánh quả xuống núi. Những quả hồng được thương lái chọn lọc, phân loại để định giá và ngâm nước trong 4 ngày nhằm loại bỏ nhựa chát.
Đặc trưng của hồng vành khuyên là phần đài hoa hằn trên núm, tạo nên vành rộng nên mới có tên gọi vành khuyên, quả to tròn, không hạt, ăn giòn, ngọt. Khi quả càng già, vành khuyên càng hiện rõ. Theo người dân địa phương, hồng đạt chất lượng là vỏ phải bóng, màu xanh ngả vàng, vị ngọt không sắc.
Những ngày này hồng vành khuyên xứ Lạng đã có mặt ở khắp các vùng, miền, trở thành thứ trái cây không thể thiếu trong mâm cỗ đón Tết Trung thu. Tháng 5-2018, hồng vành khuyên đã được chứng nhận là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.