Điểm đến

Hồng Vân - điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô

Linh Tâm 06/07/2024 - 06:22

Chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) là vùng đất in đậm dấu ấn truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu (hai trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt) cùng hệ thống di tích lịch sử - văn hóa lâu đời.

Ngày nay, Hồng Vân đã trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô nhờ tiềm năng du lịch làng nghề sinh vật cảnh độc đáo, đặc sắc...

t14a1mau.jpg
Trẻ em tham gia hoạt động trải nghiệm tại điểm du lịch xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ảnh: Sở Du lịch Hà Nội

Vùng đất truyền thuyết về "Đức thánh Chử"

Mảnh đất Hồng Vân được hình thành từ lâu đời. Có lẽ bởi thế nên Hồng Vân sở hữu hệ thống di tích (gồm 16 di tích, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia, 2 di tích lịch sử cấp thành phố) và kho tàng văn hóa dân gian phong phú.

Đặc sắc nhất phải kể đến truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung gắn với hệ thống di tích đình Cẩm Cơ, đình Vân La và Chợ mới Ông Già - nơi in dấu tích cha của Chử Đồng Tử là ông Chử Cù Vân từng bán cá.

Năm 2020, Chợ mới Ông Già đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về cha con Chử Đồng Tử thời Hùng Vương”.

Hồng Vân là một trong hai xã của huyện Thường Tín (cùng với xã Tự Nhiên) thờ Tam vị đức thánh là Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân tại đình Vân La và đình Cẩm Cơ. Vào thế kỷ XVIII, đình Vân La được di dời, xây dựng lại ở vị trí hiện nay. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý cùng 47 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, có niên đại trải dài từ thế kỷ XVII-XX.

Còn đình Cẩm Cơ được xây dựng từ thời Lê Trung hưng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có các di tích liên quan khác như miếu thờ Chử Cù Vân, đình Thuận Vy (đã bị phá hủy), Bãi tắm Tiên, Khu ngõ chợ, Chợ mới Ông Già... tạo thành vùng lõi trung tâm và không gian văn hóa, lịch sử, tâm linh về truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

Các di tích phụng thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân trên mảnh đất Hồng Vân nói riêng cùng Tín ngưỡng thờ thành hoàng của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ nói chung không chỉ là những công trình kiến trúc đặc sắc mà còn là nơi lưu giữ một huyền tích mang đậm giá trị nhân văn về lòng trung quân ái quốc, tình yêu đôi lứa, lòng biết ơn các vị thành hoàng đã có công xây dựng làng xã, cùng ý thức cố kết cộng đồng được hình thành, hun đúc qua ngàn đời, tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhiều năm qua, hệ thống di tích này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại xã Hồng Vân.

Gắn kết với hệ thống di tích thờ Chử Đồng Tử là Lễ hội tình yêu - hoạt động tôn vinh những giá trị cao đẹp, nhân văn, bất tử của truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung trên mảnh đất Hồng Vân.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng, Lễ hội tình yêu được khôi phục và tổ chức hằng năm nhằm quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Hồng Vân cùng với các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời giới thiệu Điểm du lịch làng quê Hồng Vân - một trong 6 mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 với các sản phẩm du lịch độc đáo.

Trung tâm kết nối thương mại, dịch vụ, du lịch vùng

Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên nhân văn đặc sắc, xã Hồng Vân còn được biết đến với hai làng nghề sinh vật cảnh nổi tiếng là Xâm Xuyên và Cơ Giáo. Tay nghề của các nghệ nhân làng nghề được đánh giá cao bởi tạo ra được nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp và có giá trị. Thăm các làng nghề sinh vật cảnh ở Hồng Vân, du khách sẽ được hòa mình vào những tác phẩm nghệ thuật cây cảnh độc đáo, được trải nghiệm “một ngày làm nghệ nhân cây cảnh” với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Hồng Vân là một trong hai điểm du lịch được Thành phố xếp hạng OCOP 4 sao và được lựa chọn để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn chất lượng cao. Năm 2022, Hồng Vân được Thành phố công nhận là Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Từ nền tảng này, Hồng Vân xây dựng Xã nông thôn mới thông minh trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Song song với đó, Hồng Vân còn nằm trong quy hoạch phát triển du lịch sinh thái và vành đai xanh của Thành phố. Đây là những “bước đà” thuận lợi để Hồng Vân đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách; đưa thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để thực hiện các mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng cho biết, xã đã và đang tập trung triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, làng nghề trên địa bàn xã Hồng Vân giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo” nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội; nhất là lợi thế về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạ tầng thương mại, dịch vụ, làng nghề, giá trị truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tín ngưỡng thờ Mẫu và các giá trị văn hóa truyền thống bản địa... Từ đó, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, phong phú phục vụ khách du lịch; tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội xã phát triển; từng bước đưa Hồng Vân trở thành một trong những trung tâm kết nối thương mại, dịch vụ, du lịch trong vùng và đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện. Phấn đấu đến năm 2030, huyện Thường Tín trở thành một quận, trong đó xã Hồng Vân trở thành một phường xanh; lấy kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề là chủ lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồng Vân - điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.