(HNMCT) - Nói "hồn xưa" nghe có vẻ cũ, thực ra chất liệu dân gian vẫn luôn hiện hữu trong những sáng tác âm nhạc từ trước tới nay. Có chăng là mới ở cách làm ở mỗi giai đoạn, mỗi nghệ sĩ mà thôi. Và trong giai đoạn hiện nay các nghệ sĩ có cách khai thác chất liệu dân gian rất khác.
Những điểm nhấn đáng kể
Nhìn vào bề nổi, hoạt động biểu diễn âm nhạc năm 2020 có vẻ yên ắng, đương nhiên là bởi lý do bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19. Và thật bất ngờ vào những tháng cuối năm, chúng ta lại thấy một vài điểm nhấn. Và dù chỉ là “một vài” nhưng những điểm nhấn ấy rất đáng kể.
Năm qua ghi dấu ấn sự bùng nổ của rap Việt khi cùng lúc hai cuộc thi lớn được tổ chức trên sóng truyền hình và được khán giả đón đợi. Đó là King Of Rap (VTV3) và Rap Việt (Vie Channel - HTV2). Cả hai cuộc thi giúp rap Việt trở nên chính danh trong “ngôi nhà” nhạc Việt. Như vậy đã quá đủ, nhưng hai cuộc thi này còn làm được nhiều hơn thế khi ngay từ mùa đầu tiên đã xuất hiện tác phẩm khai thác yếu tố dân gian thú vị đủ để “tạo sóng” cộng đồng mạng.
Đó là trường hợp rapper R.Tee với bản rap Rằm tháng 7. Bản rap này khai thác bài hát văn lời mới của NSƯT Đình Cương ở phần đầu. Khi âm nhạc hát văn vang lên bởi tiếng đàn nguyệt, rapper R.Tee như “nhập hồn” vào một giá đồng với những động tác bái lạy rồi xoay tay quen thuộc trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo ấn tượng cho người xem. Bản rap Rằm tháng 7 “lên” mạng xã hội, thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem.
Trong suốt lịch sử hơn 30 năm cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”, có lẽ chưa bao giờ có một tác phẩm dân gian được trao giải Bài hát về Hà Nội hay nhất như trường hợp của thí sinh Nguyễn Ngọc Hà với tác phẩm Xẩm chợ Đồng Xuân trong cuộc thi tổ chức hồi tháng 10 vừa qua. Điểm thuyết phục ban giám khảo trao giải cho tác phẩm này là ở đó có sự kết hợp của xẩm với rap và EDM (nhạc nhảy điện tử) một cách tự nhiên. Tác phẩm đã giúp Nguyễn Ngọc Hà giành giải Nhì chung cuộc. Không lâu sau cuộc thi, thí sinh này phát hành phiên bản MV với tên tác phẩm Xẩm Hà Nội và nghệ danh Hà Myo được giới truyền thông và công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Cùng thời điểm nửa đầu tháng 11 với Xẩm Hà Nội, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang phát hành MV Giấc mơ trên lưng (đạo diễn Đào Thanh Hưng).
Giấc mơ trên lưng do Ngô Hồng Quang sáng tác và thể hiện, khai thác đậm chất dân gian dân tộc Mông với những quãng nhảy xa đặc trưng, với âm nhạc đa tầng và chất liệu dân ca.
Bên cạnh những tác phẩm âm nhạc độc lập, khai thác kịch hát truyền thống kết hợp với một loại hình sân khấu khác cũng là điểm nhấn đáng nói. Như vở diễn Cây gậy thần do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện. Sự kết hợp của hai loại hình quen thuộc này là điều chưa ai nghĩ tới. Việc trình diễn xiếc trong ngập tràn tiếng nhạc lời ca của những bản ca cổ quen thuộc như Phi vân điệp khúc, Đoản khúc lam giang, Vọng kim lang, Lý chiều chiều... được nhạc sĩ, NSND Đào Trung hòa âm phối khí hoàn toàn mới trên nền nhạc jazz. Thậm chí vở diễn còn xuất hiện cả một đoạn rap. Không chỉ vậy, nội dung văn học của vở diễn cũng được khai thác từ kho tàng văn học dân gian với tích Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Một năm bứt phá
Sự kết hợp nói trên cho thấy tín hiệu đáng mừng là các nghệ sĩ trẻ đã quan tâm hơn đến việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian. Như Hà Myo với tác phẩm Xẩm Hà Nội, nữ ca sĩ trẻ 9x này đưa ra ý tưởng tác phẩm và đề xuất về sự kết hợp táo bạo chưa từng có. Trong đó, riêng phần xẩm là có sự tham gia của nhà nghiên cứu chuyên sâu, các phần còn lại đều do các nghệ sĩ trẻ đảm nhận, như bản hòa âm theo dòng EDM do nhạc sĩ Thế Phương và phần rap do Tobby Quốc Trung phụ trách. Tất cả các nghệ sĩ khi tham gia ê kíp đều phải nghiên cứu kỹ xẩm và tìm ra điểm tương đồng trong âm nhạc để đưa ra phương án tốt nhất trước khi có được tác phẩm hoàn thiện.
Việc đưa hát văn vào rap, như đã thấy ở Rằm tháng 7, khẳng định rằng: Không gì là không thể, cái chính là người trẻ muốn sáng tạo phải hiểu được giá trị của văn hóa truyền thống và hiểu cả giá trị của văn hóa mới mà họ đang theo đuổi. R.Tee từng chia sẻ: “Khi được mẹ chia sẻ hình ảnh bà ngoại hầu đồng, em nghĩ tại sao văn hóa Việt Nam có nhiều điều lạ như thế mà chưa được tận dụng, những giai điệu ấy nếu kết hợp với nhạc rap sẽ tạo điều mới mẻ”.
Nếu như những năm gần đây khán giả hào hứng với nhiều cách khai thác chất liệu dân gian trong âm nhạc, như Để Mị nói cho mà nghe (2019) của Hoàng Thùy Linh vừa mang hơi hướng âm nhạc miền núi phía Bắc vừa khai thác hình tượng văn học mang bản sắc dân tộc thì với Giấc mơ trên lưng, việc khai thác chất liệu dân gian cho thấy sự xóa nhòa ranh giới giữa ca khúc có chất liệu dân gian với ca khúc dân gian được sinh ra từ cộng đồng.
Sự sáng tạo của các nghệ sĩ là rất đáng khích lệ, có thể mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật đương đại Việt Nam và biết đâu trong tương lai không xa, đó lại là một trong những điểm độc đáo thu hút bè bạn quốc tế tới Việt Nam như rối nước hay xiếc từng làm được.
Nhìn lại một năm “sống chậm” của âm nhạc mới thấy những gì xuất hiện không phải không có ý nghĩa. Dẫu rất ít tác phẩm ghi dấu ấn của sự kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại ra đời trong năm qua, nhưng ít mà “chất”. Những tác phẩm này không đi theo lối mòn mà có sự bứt phá với cách đi riêng. Mọi giá trị đều phải được khẳng định qua sự thẩm thấu của thời gian, nhưng chắc chắn chúng ta chỉ có được những giá trị mới một khi các nghệ sĩ chịu bứt phá ra khỏi nếp cũ nhờ sáng tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.