(HNM) - Trải qua hàng trăm năm gắn bó với đời sống, thú chơi tranh Tết thực sự đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Những bức tranh dân gian treo trên vách tường như một lời chúc sức khỏe, với nhiều niềm vui lớn và đem lại sự may mắn cho gia chủ.
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”...
Khi xuân tràn vào lòng phố cũng là lúc nhà nhà rạo rực sắm tranh trang hoàng nhà cửa. Với sắc màu rực rỡ, đề tài phong phú, đường nét độc đáo, tranh Tết không chỉ tạo không khí vui tươi cho gia đình và lời chúc năm mới an khang thịnh vượng mà nó còn là một phần hồn Việt, trong lành và nhân hậu.
Không ai biết chính xác thú chơi tranh dân gian ngày Tết bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết cứ mỗi độ xuân về, tranh Tết xuất hiện làm cho không khí đón chờ năm mới thêm náo nức. Theo phong tục của người Việt xưa, ngoài cành đào, bánh chưng, mỗi gia đình không thể thiếu câu đối đỏ cùng những bức tranh dân gian chơi Tết. Tục chơi tranh Tết không chỉ đơn thuần mang lại không gian, không khí Tết cổ truyền cho ngôi nhà của mình, mà qua đó, người Việt còn thể hiện những triết lý, ước muốn tế nhị, sâu sắc và đa nghĩa. Thường sau ngày ông Công ông Táo, dù nhà giàu hay nghèo người ta cũng đi chợ lựa mua những bức tranh Tết với hy vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà, gỡ tranh cũ xuống treo tranh mới lên với hàm ý “tống cựu, nghinh tân”.
Dường như thiếu tranh là thiếu đi hương vị của ngày Tết. Nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai đã chia sẻ những kỷ niệm khi ông còn ở căn nhà phố Hàng Gai: “Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày cuối năm mẹ tôi đi sắm Tết về cũng mua cho anh em chúng tôi một cuộn chừng chín mười tờ tranh vẽ, trên giấy Đáp Cầu, dọc chừng một gang tay rưỡi, ngang chừng bốn gang tay hơn một chút. Những bức tranh ấy mang những hình vẽ khác nhau: Hái dừa, gà mẹ gà con, chuột vinh quy bái tổ, Phúc Lộc Thọ, Thần Trà, Uất Lũy, cóc đi học, Ngưu Lang Chức Nữ, Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng...
Bức nào cũng xanh đỏ lòe loẹt, bức nào cũng có những nét hóm hỉnh mà ngây thơ, bức nào cũng làm cho chúng tôi thích thú. Và năm nào cũng vậy, anh em chúng tôi cũng tranh giành những bức tranh gà lợn đó, có khi đến đánh nhau nhưng rút cục thì anh em thỏa thuận dán đầy cả lên tường để ngắm chung và làm như thế thì nhà tôi, đương bình thường, vụt hiện ngay ra một quang cảnh Tết vui tươi khác thường, tưng bừng nhộn nhịp không chịu được...
Sau này, cứ mỗi khi Tết đến thì vợ, không do ai bảo hết, cũng làm đúng như mẹ mình ngày trước, lại mua mấy bức tranh gà lợn về để cho con dán lên tường. Thì ra những bức tranh gà lợn đó không phải chỉ hòa đồng với tôi, mà hòa đồng với vợ, với con tôi như thế, có lẽ vì chúng tượng trưng cho tinh thần dân tộc Việt Nam mà chúng tôi không biết. Tường Tết mà vắng những bức tranh ấy mình cảm thấy nhớ nhung. Tết mà không mua tranh ấy dán lên tường, mình thấy chưa phải hoàn toàn Tết”. Theo Vũ Bằng, “cái gì làm cho tôi nhớ nhất, ấy là cái Tết, mà nhớ đến Tết, cái mà tôi không thể nào quên được, ấy là những bức tranh gà lợn”.
Thú chơi tranh Tết của ông cha ta từ xưa chỉ kén tranh dân gian thuộc các dòng tranh Hàng Trống hay Kim Hoàng ở Hà Nội, hoặc Đông Hồ (Bắc Ninh), hay xa hơn chút là dòng Độc Lôi (Nghệ An, Hà Tĩnh), hoặc tranh làng Sình ở Huế...
Nói đến tranh Tết, trước hết phải nói đến tranh Đông Hồ - loại tranh dân gian khá phổ biến. Tranh được in từ những bản khắc bằng gỗ mít trên giấy dó với nhiều màu sắc tươi tắn, sống động. Thi sĩ Hoàng Cầm - tác giả Bên kia sông Đuống đã có những câu thơ thật hay:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”…
Như một nghệ nhân đã nhận xét: “Màu sắc trong tranh Đông Hồ đỏ như xôi gấc, vàng như lúa chín, xanh như lá mạ, nâu như đất cày”... vì thế, người chơi không tìm kiếm hình minh họa về ngày Tết trong tranh Đông Hồ mà hướng đến những điều bình dị, dân dã trong cuộc sống hằng ngày và ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, và hạnh phúc. Bằng những đường nét tinh tế, giàu tính gợi hình và màu sắc tươi tắn, hài hòa, mỗi bức tranh Đông Hồ đều chứa đựng những ẩn ý nhân văn sâu sắc. Bức tranh Mẹ con đàn gà và Mẹ con đàn lợn với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận, khát vọng sung túc cả năm. Có những bức tranh được đặc biệt yêu thích như Phú quý (cậu bé tóc trái đào giữ con vịt), Vinh hoa (cậu bé ôm con gà trống), Thất đồng (7 cậu bé hồn nhiên hái quả), Tứ tôn vạn đại (4 cậu bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)... với mong muốn năm mới gia đình được bình yên, làm ăn khấm khá, con cái “đủ nếp đủ tẻ”...
Ngoài ra, còn phải kể đến những bức tranh Đông Hồ mô tả các trò chơi dân gian ngày Tết. Qua những nét vẽ chân chất, mộc mạc, không khí tưng bừng, phấn khởi ngày xuân được tái hiện sinh động qua các trò chơi Tết xưa như múa lân, múa rồng, đấu vật, chơi đu... Điểm độc đáo của tranh Đông Hồ là được tạo bởi 5 màu sắc chính là đen, xanh, vàng, đỏ, trắng, có nhiều nét tương đồng với 5 yếu tố ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bởi vậy, sự hòa hợp của các gam màu trên tranh Tết Đông Hồ là điềm báo cho sự khởi phát thuận lợi của ngũ hành dịp đầu năm, mang đến may mắn và điềm lành cho gia chủ.
Nếu tranh Đông Hồ thường được tạo ra bằng cách in chồng các ván màu lên nhau, sau đó bản nét được in cuối cùng để tạo nên thần thái của tác phẩm thì tranh Hàng Trống ngược hoàn toàn quy trình này. Tranh Hàng Trống được in một lần bản nét làm xương sống cho tác phẩm, sau đó nghệ nhân mới dùng màu nước tô vờn màu cho bức tranh nên tranh Hàng Trống có độ sâu, độ rung và uyển chuyển hơn. Cùng một bản in như nhau nhưng tùy cảm hứng của người tô mà các tác phẩm tranh Hàng Trống có sự khác biệt rõ rệt.
Tranh Hàng Trống có nhiều mẫu đẹp, sang trọng thể hiện lối chơi và phong cách của người Hà thành. Những tranh thường được lựa chọn chơi Tết là tranh Tố nữ (thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, thân thuộc giữa con người và thiên nhiên), tranh Tứ quý (ước vọng 4 mùa xuân - hạ - thu - đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi), Lý ngư vọng nguyệt (mong mỏi khoa cử đỗ đạt), Thất đồng (thỏa mãn mong ước về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc), Tam đa (tượng trưng cho phúc đức, tài lộc và sống lâu)... Ngoài ra, trong dòng tranh Hàng Trống còn có một số bức tranh đơn cũng thường được treo vào dịp Tết như Cá chép trông trăng hay Múa rồng. Một bức thì nói lên triết lý âm dương giao hòa của người phương Đông, một bức là lời cầu chúc cho một năm phồn thịnh, gia đình nhiều may mắn và tài lộc.
Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử, tâm linh, mọi người còn dành vị trí trang trọng trong không gian ngôi nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm, như Tý, Sửu, Mão, Mùi, Dậu, Hợi... Hầu hết là những bức tranh có nội dung và hình thức đẹp thuần túy, mộc mạc, phản ánh nét sinh hoạt lao động của người dân trong khung cảnh thanh bình, yên ả cùng những ước mơ bình dị nhưng bay cao...
Ngày nay, tuy tranh dân gian không còn ở thời kỳ cực thịnh, nhưng thú chơi tranh và yêu nét đẹp dung dị, mộc mạc của những bức tranh dân gian thì vẫn còn. Cách chơi tranh cũng phong phú và đa dạng hơn. Bên cạnh những bức tranh dân gian theo lối vẽ và chất liệu truyền thống còn xuất hiện tranh Tết có chất liệu đa dạng như tranh gốm sứ, tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ, tranh đá quý...
Treo tranh Tết là phong tục đẹp của ông cha ta. Cho dù cuộc sống có khó khăn hay đã đủ đầy thì phong tục truyền thống này luôn được gìn giữ, như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc mỗi khi Tết đến, xuân về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.