Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ

Nguyệt Ánh| 09/05/2022 11:37

(HNMO) - Ngày 9-5, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân có liên quan góp ý vào dự thảo Luật.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị.

Tham dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các sở, ban, ngành thành phố…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã tham gia giải quyết, lên tiếng trong nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, với vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm phản biện vào các quy định pháp luật, trong đó có dự thảo Luật.

Để tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, hội nghị được tổ chức, nhằm chia sẻ kết quả, thực trạng, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong triển khai các quy định của luật hiện hành, từ đó kiến nghị đề xuất sửa đổi Luật, bảo đảm tính thực tiễn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong thời kỳ mới.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, sửa đổi và trình các cơ quan thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội trong thời gian tới. Dự thảo được sửa đổi, bổ sung với 6 chương, 62 điều, tăng 6 điều so với luật hiện hành.Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật là rất cần thiết, nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe tổng quan những sửa đổi, bổ sung và những vấn đề giới trong dự thảo Luật; tập trung thảo luận, nêu ý kiến, đề xuất, kiến nghị những vấn đề về lồng ghép giới trong dự thảo Luật; các quy định về trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); các quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác, hòa giải, xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; các quy định liên quan đến mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng…

Tiếp thu những nội dung đóng góp của các đại biểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, những ý kiến các đơn vị nêu tại hội nghị rất xác đáng; thông tin thực tế, phù hợp với thực tiễn quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình ở cơ sở; đồng thời mong muốn nhận được văn bản góp ý, những đề xuất thay đổi dự thảo Luật sớm nhất để trình Quốc hội trong thời gian tới…

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành từ năm 2007 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2008, đến nay, sau 14 năm triển khai, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thực tế, bạo lực gia đình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ nghiêm trọng.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Theo báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021, 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình.

Trong 3 năm 2019-2021, trên địa bàn Hà Nội có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần chiếm 37%, bạo lực thân thể chiếm 59,7%.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.