(HNMO) - Từ đầu năm đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực huy động vốn, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, đối tượng chính sách. Nguồn vốn này đã góp phần quan trọng giúp các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Từ đầu năm đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực huy động vốn, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, đối tượng chính sách. Nguồn vốn này đã góp phần quan trọng giúp các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Nhiều hộ dân được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo. |
Tính đến ngày 31-3-2018, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 184.664 tỷ đồng, tăng 9.282 tỷ đồng so với năm 2017; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 177.735 tỷ đồng, tăng 5.946 tỷ đồng so với năm 2017. Riêng tổng doanh số cho vay quý I-2018 đạt 16.145 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước với hơn 577 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn...
Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với 3.050 tỷ đồng; hộ cận nghèo 2.895 tỷ đồng; hộ nghèo 2.668 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2.413 tỷ đồng; giải quyết việc làm 2.238 tỷ đồng và cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là 2.166 tỷ đồng.
Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 63 nghìn lao động; giúp hơn 6.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 409 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn và gần 4.000 căn nhà ở cho hộ nghèo được xây dựng…
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hơn nữa, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam yêu cầu toàn hệ thống ở các tỉnh, thành phố từ nay đến cuối năm tập trung giải ngân các chương trình tín dụng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các đối tượng thụ hưởng. Các chi nhánh cần quan tâm đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng; tăng cường kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời và đẩy mạnh công tác truyền thông về các chương trình tín dụng mới đến người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.