Mưa to tại Quảng Bình đã khiến hơn 5.000 nhà dân ngập nước, hệ thống giao thông, trạm xá, chợ, trường học, trụ sở làm việc của xã... trên địa bàn tỉnh bị ngập, một số nơi bị chia cắt cục bộ.
Đến 8 giờ ngày 1/11, mưa to đã làm hơn 5.000 nhà dân bị ngập từ 0,2- gần 3m; trong đó, tại huyện Quảng Ninh hơn 1.000 nhà, thị xã Ba Đồn có gần 1.200 nhà, Bố Trạch có hơn 150 nhà, Quảng Trạch hơn 1.000 nhà, huyện rốn lũ Tuyên Hóa có gần 2.000 nhà bị ngập (riêng ở thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân xã Cao Quảng, thôn Lạc Sơn xã Châu Hóa có 194 hộ bị cô lập).
Nước lũ lên nhanh gây ngập và chia cắt tại xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: Từ chiều tối 30/10 đến sáng 1/11, trên địa bàn huyện có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, nước một số nơi đang lên cao. Các xã như Tân Ninh, Duy Ninh, Võ Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn bị ngập.
Ngay sáng nay (1/11), lãnh đạo và đoàn công tác của huyện Quảng Ninh đã đi kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo triển khai nghiêm túc công điện của tỉnh về phòng, chống và ứng phó với mưa lũ; đồng thời thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, cắt cử cán bộ, lực lượng trực 24/24 giờ nhằm hướng dẫn, giúp dân xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Riêng tại xã Trường Sơn, huyện chỉ đạo xã, huy động lực lượng cán bộ địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp về cắm chốt ở các bản, làng, thôn xóm để hướng dẫn giúp đồng bào và vật nuôi di dời đến nơi an toàn; chuyển toàn bộ tài liệu, vật dụng, trang thiết bị... từ tầng 1 của trụ sở UBND xã lên tầng cao; đồng thời chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm an toàn cho các em...
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông ở các địa phương cũng bị ngập nước và sạt lở một số đoạn. Cụ thể: tại ngầm 23, 25 trên đường 10, thuộc địa bàn xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), đường vào bản Pơ Loang, Zìn Zìn, Dốc Mây, Trung Sơn thuộc xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), đường Hồ Chí Minh thuộc km945 đến 946 và đoạn đi qua địa bàn thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa); Quốc lộ 12A đoạn km33+600 đến km33+800 và km68+800; đường qua các xã Mai Hóa, Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa); xã Tân Hóa, Cầu tràn đi các thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa (huyện miền núi Minh Hóa) bị ngập sâu.
Hiện nay, các thôn Kim Bảng của xã Minh Hóa đã bị chia cắt, các phương tiện không thể qua lại được. Các Ngầm khe Mưng, khe Đèng, Ngầm khe Bẹ ngập từ 2-4m; đường 559B (km2+800) qua xã Quảng Sơn đất sạt lở đang ách tắc. Tuyến đường sắt, đoạn Khu gian Lệ Sơn - Minh Lệ bị xói trôi nền đá gây tắc đường, hiện đã được thông tuyến.
Người dân đưa trâu bò lên chỗ cao tránh lũ tại xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn. |
Một số tuyến đường liên thôn, liên xã tại các địa phương cũng bị ngập. Ngoài ra, hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng xã Quảng Hải, một số tuyến đê kè của xã Quảng Tiên, Quảng Trung (thị xã Ba Đồn); đê Hung Dũ, đê Ồ ồ và đập Khe Chè ở xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) bị sạt và xói lở nghiêm trọng và gây ngập cục bộ. Các công trình dân sinh, chợ, trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban xã, nhà văn hóa tại một số địa phương trong tỉnh cũng bị ngập và hư hỏng nặng.
Rạng sáng 1/11, tại các xã Phú Thủy và Mai Thủy của huyện Lệ Thủy, một trận lốc xoáy cũng đã làm gần 100 hộ dân, nhà văn hóa và 2 kho thóc (xã Mai Thủy) bị tốc mái, nhiều tài sản, thóc lúa, hoa màu, cây to bị đổ gãy. Đến 10 giờ cùng ngày, công tác khắc phục thiệt hại đã được các xã thực hiện cơ bản xong.
Đến 11 giờ ngày 1/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mưa to đã giảm. Tuy nhiên, mực nước trên sông ở Quảng Bình vẫn đang lên nhanh, mực nước lúc 8h ngày 1/11 trên một số sông như sau Rào Nậy tại Đồng Tâm là 15,84 m, dưới báo động 3: 0,16 m; sông Gianh tại Mai Hóa: 7,64 m trên báo động 3: 1,14 m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,41m trên báo động 2: 0,21m; sông Son tại Quảng Minh: 2,10, dưới lũ lịch sử năm 2010: 1,8m.
Dự báo trưa 1/11, mực nước trên sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng lên mức 8,50 m, trên mức báo động 3: 2,00 m. Trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy có khả năng lên mức 2,60 m, dưới báo động 3: 0,10 m; mực nước trên sông Son tại Quảng Minh ở mức 2,90 m, dưới lũ lịch sử năm 2010 là 1.00 m.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lũ, tại Quảng Bình nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng là rất cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.