Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 40 năm ''thắp lửa'' chăm sóc người bệnh

Mai Hoa| 25/05/2022 06:35

(HNM) - Biểu tượng của ngành điều dưỡng thế giới là cây đèn màu đen cùng ngọn lửa được thắp lên ở đầu đèn, tượng trưng cho sự chăm sóc của những người điều dưỡng mang đến cho người bệnh. Là một điều dưỡng, nhà quản lý y tế, giảng viên điều dưỡng giàu kinh nghiệm, hơn 40 năm qua, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên điều dưỡng Việt Nam Nguyễn Bích Lưu đã và đang bền bỉ thắp lên ngọn lửa ấy, góp phần thầm lặng vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bà Nguyễn Bích Lưu (người cầm hoa, đứng hàng thứ hai) và các thầy, cô giáo, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội tại lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Điều dưỡng. Ảnh: Thu Minh

Nhiệt huyết, đam mê nghề điều dưỡng

Từng nhiều năm làm một điều dưỡng viên, rồi trở thành điều dưỡng trưởng tại Khoa Hồi sức cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai trước khi đảm trách nhiệm vụ làm Trưởng phòng Điều dưỡng Bộ Y tế, bà Nguyễn Bích Lưu là một tấm gương về việc học tập, thường xuyên tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước, kết hợp tự đào tạo qua công việc, các dự án của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (WB)…

Năm nay đã 65 tuổi, nhưng bà vẫn đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên điều dưỡng Việt Nam, tiếp tục cống hiến thầm lặng cho ngành điều dưỡng, nhất là công tác đào tạo nghề. Một trong những bí quyết giúp bà Lưu luôn được đồng nghiệp, người bệnh kính trọng và yêu quý đó là bà luôn nhiệt huyết, đam mê và kiên trì trong công tác chăm sóc người bệnh.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Bích Lưu nhớ lại: “Năm 1975, tôi học Trung cấp Y tại Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó, tôi ngày càng hiểu được ý nghĩa của nghề điều dưỡng, rồi yêu nghề này lúc nào không hay, bởi một điều dưỡng giỏi chắc chắn có khả năng chăm sóc tốt cho gia đình, bản thân mình, người bệnh của mình…”.

“Cha đẻ” của ngành hồi sức cấp cứu tại Việt Nam, Giáo sư Vũ Văn Đính từng chia sẻ: “Ngày ấy, người ta hay gọi Tổ hồi sức cấp cứu A9 (sau này là Khoa Hồi sức cấp cứu A9) của Bệnh viện Bạch Mai là "A chết", vì nơi đây là cửa sinh tử quan trọng nhất của bệnh nhân và cũng ngay bên cạnh nhà xác, có người tử vong là cán bộ đẩy sang luôn Tổ hồi sức cấp cứu”. Vậy mà cô gái Nguyễn Bích Lưu vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm dự thi và đỗ khóa y tá cao cấp đầu tiên do Trường Đại học Y Hà Nội mở, sau khi tốt nghiệp, tiếp tục làm việc ở A9. Trong thời gian từ năm 1978 đến năm 1993, với những nỗ lực của mình, bà Lưu đã nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Bích Lưu nhấn mạnh: “Trong các vị trí điều dưỡng, thì điều dưỡng trưởng là người làm việc vất vả, áp lực nhất, bởi họ chính là người quản lý nhân lực điều dưỡng, kỹ thuật viên, y công; quản lý tài sản, quản lý và điều phối người bệnh. Bên cạnh đó, điều dưỡng trưởng phải là người có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, phải dũng cảm, minh bạch để xây dựng và duy trì văn hóa tổ chức đoàn kết, hướng tới chất lượng chăm sóc người bệnh...”.

Góp sức vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Phát huy vai trò của Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên điều dưỡng Việt Nam, bà Nguyễn Bích Lưu đã và đang triển khai mạnh các hoạt động sinh hoạt đào tạo nghề, góp sức vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điển hình phải kể đến tọa đàm “Sự hợp tác chuyên nghiệp giữa điều dưỡng và bác sĩ”, tổ chức trực tuyến ngày 21-5, nhân dịp kỷ niệm Ngày Điều dưỡng quốc tế (12-5).

Kể về vai trò của bà Nguyễn Bích Lưu trong công tác đào tạo nghề điều dưỡng, Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội Khúc Thị Hồng Anh cho biết: “Tọa đàm chỉ là một trong rất nhiều hoạt động ý nghĩa của Chi hội Giáo viên điều dưỡng Việt Nam tổ chức với mục tiêu giúp sinh viên hiểu rõ về nghề, quyết tâm chọn và gắn bó với nghề điều dưỡng bằng niềm đam mê và sự kiên trì... Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Lưu với vai trò là Chủ tịch Chi hội đã cùng với lãnh đạo Chi hội tổ chức 8 cuộc tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng điều dưỡng trong công tác phòng, chống dịch. Đây thực sự là những hoạt động rất thiết thực”.

Năm nay, Hội đồng Điều dưỡng thế giới đưa ra thông điệp của ngày quốc tế điều dưỡng năm 2022, là: “Hãy đầu tư cho nghề điều dưỡng và tôn trọng quyền của điều dưỡng để bảo đảm sức khỏe toàn cầu”. Nói về thông điệp này, bà Lưu chia sẻ: “Điều dưỡng là người có thời gian tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất, nâng niu, xoa dịu nỗi đau về thể chất và tinh thần, giúp quá trình điều trị được hiệu quả, an toàn nhất. Tôi mong các em sinh viên ý thức hơn về trách nhiệm phải học tập, rèn luyện liên tục, suốt đời, từ học bài trên lớp, cho đến việc tự học bất cứ khi nào có thể... để trở thành điều dưỡng giỏi, góp sức vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mỗi điều dưỡng viên phải và luôn rèn luyện bản thân với 3 chữ H: Head (kiến thức chuyên môn cập nhật), Hand (kỹ năng tay nghề thành thạo) và Heart (cảm xúc khi chăm sóc với cả trái tim nhân hậu)”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 40 năm ''thắp lửa'' chăm sóc người bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.