(HNM) - Tính tới thời điểm này, Luật Thủ đô (ban hành ngày 21-11-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) đã đi vào cuộc sống được hơn 3 năm.
Các cơ chế đặc thù đã tạo điều kiện cho Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh phát triển hạ tầng trong thời gian qua. Trong ảnh: Cầu vượt nút giao Thái Hà - Chùa Bộc. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc mà chỉ riêng Hà Nội không thể giải quyết được, cần sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời của các cơ quan trung ương. Thêm nữa, yêu cầu đổi mới đang đặt ra cho Thủ đô những nhiệm vụ mới.
Tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực
Hơn 3 năm qua, Luật Thủ đô đã nhanh chóng được triển khai vào cuộc sống, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong vận tải hành khách nhằm hình thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đây có thể xem là một trong những kết quả rất đáng ghi nhận. Nếu năm 2013, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố chỉ có 86 tuyến, đến nay đã tăng lên 92 tuyến, vận hành hơn 12.890 lượt xe/ngày, phủ khắp các khu vực đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Gần đây, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã đưa vào hoạt động tuyến buýt số 86, lộ trình từ trung tâm thành phố đến Sân bay Nội Bài với nhiều cải tiến so với buýt thông thường như trang bị wifi, ti vi miễn phí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách.
Đối với công tác giáo dục đào tạo, nếu trước đây, người dân phải đóng mức học phí hàng trăm triệu đồng/năm khi học trong các trường "chất lượng cao" quốc tế thì nay đã có nhiều lựa chọn. Điều 12 của Luật Thủ đô không chỉ tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, kiểm tra mà còn đưa ra định hướng rõ ràng để Hà Nội phát triển mạnh mẽ hệ thống trường chất lượng cao. Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định: “Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã được đào tạo, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.
Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, hiện đại hơn”. So với năm 2012, trước khi có Luật Thủ đô, toàn ngành chưa có trường nào đạt chất lượng cao theo đúng quy định, thì đến năm 2016 đã có 11 trường học được công nhận trường chất lượng cao và 7 trường đang thí điểm xây dựng theo các tiêu chí chất lượng cao. Đây không những là hướng đi đúng trong thời kỳ hội nhập mà còn tạo tiền đề giúp Ngành Giáo dục Thủ đô dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục - đào tạo.
Sau khi có Luật Thủ đô, Hà Nội cũng có điều kiện để thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài như: Nâng lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức tiêu biểu; xét tuyển đặc cách thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các sở, ban, ngành, quận, huyện. Điều này giúp Hà Nội thu hút, tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Sau hơn 3 năm thi hành Luật Thủ đô, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 14 nghị quyết; UBND thành phố ban hành 2 quyết định cụ thể hóa luật trên nhiều lĩnh vực giáo dục, quy hoạch kiến trúc, giao thông - vận tải, môi trường, tài chính, đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố ban hành 49 văn bản chỉ đạo điều hành. Thành phố đã phổ biến, tuyên truyền luật một cách sâu rộng.
Vẫn tồn tại những khó khăn đặc thù
Hà Nội rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương để ngày càng phát triển nhanh, bền vững.Ảnh: Vũ Long |
Bên cạnh những kết quả nổi bật, thực tiễn đang phát sinh nhiều vấn đề mà một mình Hà Nội khó có thể giải quyết. Đơn cử như việc thực hiện mô hình trường chất lượng cao do còn mới mẻ nên công tác chỉ đạo, quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Một số khoản thu chưa đủ chi cho việc tái đầu tư sức lao động, cơ sở vật chất và dịch vụ tăng thêm; việc hướng dẫn về quy trình vận hành chưa cụ thể nên một số trường còn lúng túng...
Đáng lưu ý, việc quản lý dân cư trong khu vực nội đô - một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề. Số lượng dân di cư tự phát vào nội thành ngày một tăng (hiện có gần 70.000 hộ và 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú) kéo theo đó là những áp lực rất lớn về hạ tầng xã hội. Tăng trưởng dân số Thủ đô khoảng 2,4%/năm (200.000 người/năm), mỗi năm thành phố phải giải quyết khoảng 160.000 việc làm mới. Và giao thông là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy sức ép rất lớn đối với Hà Nội. Tăng dân số cơ học không chỉ gây áp lực về giao thông, tăng phương tiện giao thông cá nhân mà còn kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác như điều kiện ăn ở, sinh hoạt, chất lượng sống...
Để giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp đó, Hà Nội cần sự chung tay góp sức của các cơ quan trung ương. Đơn cử, việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục ra khỏi nội thành hiện vẫn rất chậm; công tác quản lý quỹ đất sau khi di dời chưa được các bộ, ngành thực hiện theo đúng Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Những yêu cầu đổi mới đang đặt ra cho Thủ đô những nhiệm vụ nặng nề. Vì vậy, báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội về đánh giá hơn 3 năm thi hành Luật Thủ đô cũng thẳng thắn nhìn nhận: Để văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội đi vào cuộc sống, cần thiết phải có sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và cụ thể của các cơ quan liên quan, trong đó có việc sửa một số điều khoản của Luật Thủ đô; không thể để nhiệm vụ xây dựng, phát triển và quản lý Hà Nội - Thủ đô của cả nước là nhiệm vụ của riêng Hà Nội.
Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, giáo dục còn nhiều khó khăn (HNM) - Chiều 31-10, Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội đã giám sát về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; thực hiện quy định về tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới theo quy định của Luật Thủ đô và Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội. Sau 3 năm thực hiện Luật Thủ đô và Nghị quyết của HĐND thành phố, Sở QH-KT đã làm tốt công tác tham mưu cho thành phố xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; xúc tiến cải tạo chung cư cũ; triển khai công tác di dời và khai thác quỹ đất sau di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan cũng đạt kết quả bước đầu (gần 30 đơn vị). Dù tích cực, song việc cải tạo chung cư chậm vì liên quan đến quy hoạch, chính sách; việc di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học gặp khó khăn, một số đơn vị di dời nhưng lại chưa bàn giao quỹ đất cho thành phố quản lý để đầu tư công trình phúc lợi phục vụ dân sinh; việc lập quy hoạch chi tiết các trục giao thông mới mở còn kéo dài, chưa đồng bộ, vẫn phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Đoàn giám sát đề nghị, Sở QH-KT tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan tổng hợp, tham mưu cho UBND thành phố trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhằm thực thi đầy đủ và đúng yêu cầu theo Điều 9 của Luật Thủ đô; phối hợp với các sở và UBND các quận, huyện để tiếp tục thực hiện Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Vũ Thủy |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.