(HNMO) - Sáng 23-6, thông tin nhanh về tình hình cây xanh đổ, gãy do ảnh hưởng của cơn mưa dông tối 22-6, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hơn 260 cây xanh bị đổ, gãy cành, gãy ngang thân, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận nội thành.
Các tuyến phố ghi nhận số lượng cây gãy, đổ nhiều như: 25 cây chiêu liêu, muồng tại phố Võ Chí Công (quận Tây Hồ); 43 cây phượng, muồng, Osaka tại dải phân cách sát sông Tô Lịch đường Láng (quận Cầu Giấy); 10 cây phượng, trứng cá, sữa tại phố Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm); 7 cây muồng, bằng lăng, sấu tại phố Kim Ngưu (quận Hoàng Mai); 6 cây bằng lăng, sấu, chiêu liêu tại phố Yên Lãng (quận Đống Đa); 6 cây ban, đại, chiêu liêu tại phố Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình)...
Ngay trong tối 22-6, các công nhân của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội triển khai ứng trực, xử lý, giải tỏa cây xanh bị gãy, đổ; dựng lại các cây bật gốc.
* Về công tác giải quyết úng ngập, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, tối 22-6, ảnh hưởng của vùng mây đối lưu đã gây mưa dông nhiệt trên địa bàn Hà Nội, thời gian mưa tập trung từ 20h40 đến 21h50. Mưa lớn kèm theo lốc, gió giật... tập trung trên địa bàn các quận nội thành: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hai Bà Trưng... Lượng mưa đo được phổ biến từ 40-70mm; đặc biệt tại quận Cầu Giấy (điểm đo phố Hoa Bằng) lượng mưa đạt 105,8mm trong 65 phút.
Mưa lớn trong thời gian ngắn, vượt công suất thoát nước của hệ thống (50-100 mm/2 giờ) đã gây các điểm ngập cục bộ tại nhiều tuyến phố: Trần Bình, Hoa Bằng, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc.... với mức độ ngập sâu 0,2-0,3m.
Công ty đã triển khai công tác ứng trực ngay khi có dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu, thanh thải dòng chảy; bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng khơi thông dòng chảy khi có mưa; vận hành các trạm bơm đầu mối, hầm chui như Yên Sở, Đồng Bông 1....
Đồng thời, các cửa phai được mở kịp thời để đưa nước vào hồ nhằm hạ mực nước trên hệ thống, giữ mực nước toàn bộ hệ thống an toàn. Khi mưa, vận hành các trạm bơm di động, các phương tiện, thiết bị cơ giới, hướng dẫn, cảnh báo giao thông nhằm hạn chế tối đa mức độ và thời gian úng ngập. Đến 22h30 (khoảng 40 phút sau mưa), các điểm úng ngập trên cơ bản đã rút nước, giao thông đi lại bình thường.
"Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to. Công ty vẫn tiếp tục duy trì ứng trực theo đúng phương án được duyệt, bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng ngập", ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.