(HNMO) - Tính đến 6h ngày 23-5, toàn thế giới có tổng cộng 5.295.462 ca mắc Covid-19, trong đó có 339.320 người tử vong và 2.149.050 bệnh nhân đã hồi phục.
Châu Mỹ
Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, với 1.643.585 trường hợp dương tính và 97.590 bệnh nhân tử vong. Ngày 22-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu thống đốc các bang cho phép mở cửa trở lại nhà thờ ngay lập tức, bởi điều này là cần thiết đối với cuộc sống của người dân.
Ngày 22-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, Nam Mỹ đã trở thành tâm điểm mới của đại dịch Covid-19, trong đó Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 330.890 trường hợp dương tính và 21.048 trường hợp tử vong. Brazil cũng trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Peru Martin Vizcarra đã gia hạn tình trạng khẩn cấp vào phong tỏa toàn quốc nhằm chống đại dịch Covid-19 tới cuối tháng 6 và là một trong những nước áp dụng giai đoạn cách ly, phong tỏa dài nhất thế giới. Peru bắt đầu các biện pháp hạn chế, phong tỏa kể từ giữa tháng 3 và sẽ kết thúc vào ngày 30-6 tới. Quyết định này được đưa ra sau khi Peru xác nhận số ca dương tính tăng lên 111.698 người, cao thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh và đã có 3.244 trường hợp tử vong.
Chính phủ Mexico cho rằng, dịch Covid-19 tại nước này đang dần được kiểm soát, dù Mexico đã trở thành một trong những điểm nóng toàn cầu về đại dịch. Quốc gia Bắc Mỹ này hiện có 59.567 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.510 trường hợp tử vong.
Châu Âu
Ngày 22-5, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo nước này sẽ công bố kế hoạch mở cửa trở lại các trường học ngay khi có thể và sớm nhất là từ ngày 1-6. Trong khi đó, nhiều giáo viên và người dân Anh lo ngại việc chính phủ yêu cầu mở cửa lại trường học là quá sớm vào thời điểm này, khi các trường học chưa có đủ thời gian để chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm bảo đảm các quy định về phòng dịch và giãn cách xã hội.
Từ ngày 8-6, quy định cách ly 14 ngày sẽ được áp dụng với tất cả hành khách nhập cảnh vào Anh, kể cả công dân Anh hồi hương. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm công dân Cộng hòa Ireland, tài xế vận chuyển hàng hóa, chuyên gia y tế và người lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Các biện pháp cách ly sẽ được xem xét 3 tuần 1 lần. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 1.000 bảng Anh.
Ngày 22-5, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết, chính quyền Tây Ban Nha đã nới lỏng phong tỏa ở thủ đô Madrid và thành phố Barcelona, sau những đánh giá kỹ lưỡng của các nhà khoa học. Quyết định này cho phép các nhà hàng, quán bar mở cửa trở lại từ tuần tới với công suất phục vụ 50%, đồng thời, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng… được đón không quá 1/3 lượng khách thông thường.
Cũng trong ngày 22-5, phát biểu tại cuộc họp chính phủ trực tuyến, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hối thúc chính quyền các địa phương tăng cường khả năng xét nghiệm Covid-19. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định, việc mở rộng khả năng xét nghiệm để sớm tìm ra các ca dương tính là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Tổng thống V.Putin cũng không loại trừ khả năng làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể xuất hiện tại nước này vào mùa thu. Do đó, nhà lãnh đạo Nga yêu cầu giới chức y tế chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này. Nga hiện có tổng cộng 326.448 trường hợp dương tính và 3.249 bệnh nhân đã tử vong do Covid-19.
Châu Á
Ngày 22-5, Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) của Thái Lan thông báo, giai đoạn 3 của kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại quốc gia này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-6 tới. Khi bước vào giai đoạn này, Thái Lan sẽ cân nhắc việc cho phép khôi phục những hoạt động kinh doanh không tiềm ẩn rủi ro cao.
Hiện tại, Chính phủ Thái Lan đã cho phép các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ và tiện lợi, ngân hàng, trung tâm chăm sóc sắc đẹp… khôi phục hoạt động. Trong khi đó, các sở thú, công viên giải trí, trung tâm triển lãm… vẫn duy trì đóng cửa. CCSA cũng đang cân nhắc việc mở cửa trở lại các trường học tại những khu vực không có dịch Covid-19, dự kiến vào tháng 7 năm nay.
Châu Phi
Theo WHO, số ca mắc Covid-19 tại châu Phi đã chạm mốc 100.000 người và được ghi nhận ở mọi quốc gia thuộc châu lục này, với 3.100 trường hợp tử vong kể từ khi ca nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận cách đây 14 tuần.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi nhận định, cho đến nay, châu lục này đã tránh được con số tử vong cao do Covid-19 như đã diễn ra tại một số khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, các nước vẫn cần hết sức thận trọng bởi hệ thống y tế tại châu lục này khá “mong manh” và ít có khả năng đối phó với sự gia tăng đột ngột của các ca nhiễm bệnh.
9 quốc gia châu Phi đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng 50% trong tuần qua, trong khi các nước khác cho thấy sự suy giảm hoặc có sự ổn định trong số ca nhiễm mới. Tỷ lệ tử vong thấp có thể là do một nửa dân số tại Lục địa đen ở độ tuổi dưới 18, trong khi vi rút vẫn có khả năng tiếp tục lan rộng do những lỗ hổng đáng kể trong các dịch vụ chăm sóc đặc biệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.