Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới: Kiến nghị xử lý dứt điểm trước năm 2019

Bảo Hân| 04/11/2016 10:29

(HNMO)-

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh


Theo báo cáo, đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí NTM, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến nay, đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí NTM.

Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng NTM được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,38%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm).

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí NTM, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Về nguồn vốn thực hiện, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. QH đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra một số hạn chế vướng mắc như một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành hoặc không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn chưa có hoặc chỉ có 1 đến 2 xã đạt chuẩn NTM. Kết quả thực hiện tại các vùng, miền cũng có sự chênh lệch rõ rệt: số xã đạt tiêu chí NTM ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng Sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%.

Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu, chưa đảm bảo theo quy định. Các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

"Theo tổng hợp số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến 31/01/2016, số nợ đọng của các địa phương khoảng 15.277 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỷ, Thanh Hóa 1.547 tỷ, Thái Bình 1.232 tỷ, Vĩnh Phúc 919 tỷ, Nghệ An 887 tỷ, Hải Dương 879 tỷ, Ninh Bình 770 tỷ, Hà Nam 757 tỷ…

Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng NTM dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận NTM chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện" - Ông Thanh cho biết cụ thể.

Trên cơ sở đó, Ủy ban thường vụ QH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.

Riêng các địa phương tự cân đối ngân sách, trừ tỉnh Quảng Ngãi, phải chủ động sử dụng ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6 năm 2018. Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thi công dự án NTM khi chưa được bố trí vốn. Bổ sung tiêu chí về nợ đọng xây dựng cơ bản trong việc thẩm định và xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM.

Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau khi có Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì cần làm rõ để xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã để xảy ra nợ đọng. Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai qui định trong thực hiện Chương trình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới: Kiến nghị xử lý dứt điểm trước năm 2019

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.