Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ có hơn 100 hoạt động, đang được các đơn vị gấp rút hoàn thiện.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Tạp chí Kiến trúc thực hiện chính thức được khai mạc vào ngày 9-11. Hiện, các đơn vị và nhân sự trong ngành công nghiệp sáng tạo đang bước vào giai đoạn gấp rút triển khai hiện thực hóa các ý tưởng, hoàn thiện các tác phẩm, hoạt động.
Chủ đề của Lễ hội năm nay là “Giao lộ sáng tạo”, khuyến khích mỗi người nhìn nhận lại cái tôi sáng tạo của bản thân trong hành trình sống. Logo năm nay được lấy cảm hứng từ biểu tượng chim non trên logo của Cung Thiếu nhi Hà Nội, biểu đạt cho tâm hồn trẻ thơ bên trong mỗi người. Từ năm nay, Lễ hội sẽ phát triển riêng một bộ nhận diện phù hợp với chủ đề của từng năm.
Ngày 11-10, Ban tổ chức cho biết, trong 2 tuần qua, đã gặp và làm việc với các đơn vị để thúc đẩy triển khai chi tiết các hợp tác, mở ra cơ hội cho công chúng chiêm ngưỡng không gian nghệ thuật, đồng thời giữ gìn giá trị lịch sử.
Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động sáng tạo sẽ diễn ra, bao gồm các pavilion (tạm hiểu là không gian thiết kế, kiến trúc): “Hành lang ấu trĩ”, “Dòng”, “Bảo tàng lịch sử tương lai”.
Một số hoạt động biểu diễn gồm: Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024: Giao lộ sáng tạo; show rock: Hà Nội chốn đi về; show thời trang “Hanoi Fashion Journey 2024”; trình chiếu “Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến”; chiếu phim “Hãy tha thứ cho em” (1992) của đạo diễn Lưu Trọng Ninh; chiếu phim hoạt hình Tiệp Khắc; trình diễn tác phẩm sân khấu “Thổ địa”.
Các hoạt động trưng bày, triển lãm nghệ thuật gồm: Đại triển lãm “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” (gồm 44 triển lãm, tác phẩm); đại triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” tại Đại học Tổng hợp 19 Lê Thánh Tông (gồm 22 triển lãm, tác phẩm).
Ngoài ra, trong lễ hội còn có các hội thảo, tọa đàm gồm: Lễ trao giải và tọa đàm về ý tưởng quy hoạch công viên đa chức năng tại Khu vực bãi giữa và bãi ven sông Hồng; các hội thảo, toạ đàm về: “Giám tuyển tương lai: Bước chuyển mình của bảo tàng tại Việt Nam”, "Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật", xây dựng mô hình, sản phẩm Công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản văn hóa phi vật thể ở Thủ đô Hà Nội, "Truyền thống nhìn từ góc nhìn kiến trúc đương đại", “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo”…
Ngoài ra, trong lễ hội còn có nhiều hoạt động cộng đồng, trong đó nổi bật là tour di sản (giới thiệu những điểm đến di sản của Hà Nội).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.